Thay đổi những thói quen sử dụng khi điều khiển điều hòa dưới đây, người dùng có thể tiết kiệm hóa đơn tiền điện hàng tháng trong mùa cao điểm nắng nóng và giá điện tăng. Tag: ve sinh may lanh

Bật quá lạnh, tắt mở liên tục, lười vệ sinh điều hòa là một trong những sai lầm mà nhiều người dùng tại Việt Nam hay mắc phải. Dưới đây là một số mẹo giúp người dùng tiết kiệm điện hơn trong mùa cao điểm.

Chọn điều hòa có công suất phù hợp

Thông thường, tại các siêu thị điện máy, nhân viên bán hàng sẽ hướng dẫn người dùng chọn một chiếc điều hòa có công suất phù hợp với không gian. Tuy nhiên, người dùng cũng có thể tự chọn lựa cho mình một bộ điều hòa phù hợp với công thức tính 1 mét vuông x 600 BTU. Điều này có nghĩa 1 phòng diện tích dưới 15 mét vương có thể chọn điều hòa 9.000 BTU là phù hợp.

Hạn chế sử dụng cửa kính và hãy sử dụng các màu sáng

Các lớp cửa kính sẽ khiến phòng hấp thu nhiệt bên ngoài nhiều hơn, đặc biệt là các cửa kính bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Vì vậy, để tiết kiệm điện và tránh điều hòa phải chạy liên tục, quá tải, cần hạn chế tối đa các cửa kính. Nếu có, hãy đảm bảo các cửa kính được che nắng ở bên ngoài, hoặc sử dụng rèm bên trong để có thể cách nhiệt tốt nhất cho phòng sử dụng điều hòa.

Kính màu tối hấp thụ nhiệt nhiều hơn màu sáng. Vì vậy, dùng các tông màu sáng hơn cho tường phòng, cửa sổ, mành rèm hay các thiết bị nội thất cũng giúp điều hòa nhiệt độ không phải hoạt động liên tục và tiêu tốn điện năng.

Vệ sinh điều hòa định kỳ ít nhất mỗi 3 tháng

Nếu chỉ bảo quản máy tốt thôi thì chưa đủ, để máy hoạt động tốt, người dùng cần phải gọi thợ đến vệ sinh điều hòa. Việc này có thể giảm đến 15% công suất hoạt động của máy, giúp tiết kiệm một lượng điện rất lớn, đồng thời tăng tuổi thọ của máy.

Số lần bảo dưỡng sẽ tùy thuộc vào môi trường và tần suất sử dụng trong năm, nhưng theo các chuyên gia về điện lạnh thì nên bảo dưỡng điều hòa 3 – 4 tháng 1 lần (tùy vào mức độ sử dụng thường xuyên).

Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể lựa chọn các dòng điều hòa có tính năng tự vệ sinh, giúp chủ động được thời gian, đồng thời tiết kiệm chi phí gọi thợ và đảm bảo sức khỏe tốt hơn.

Thường xuyên kiểm tra ống dẫn và che chắn cục nóng

Đôi khi bụi bẩn bám trong các ống dẫn hay bị rò rỉ ống cũng có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hệ thống làm mát của máy, làm tốn rất nhiều điện năng. Do đó, người dùng cần đảm bảo rằng ống dẫn ga được đặt một cách hợp lý và thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ.

Bên cạnh đó, khi mới mua điều hòa, nếu lắp cục nóng ở ngoài trời, người dùng nên chọn những nơi có bóng mát, được che chắn khỏi ánh sáng mặt trời giúp giảm nhiệt lượng tác động lên cục nóng, tăng tốc độ làm lạnh. Đồng thời, người dùng cũng có thể che cục nóng bằng tấm bạt chống nhiệt nếu không tìm được vị trí lắp đặt mát mẻ.

Không lắp điều hòa ngay hướng mặt trời

Nên tránh sự trao đổi nhiệt với bên ngoài khi sử dụng điều hòa. Ánh nắng mặt trời có thể làm nhiệt độ phòng tăng lên, do vậy, điều hòa cũng sẽ phải hoạt động nhiều hơn.

Việc che kín phòng sẽ ngăn không cho ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng, tránh làm tăng nhiệt độ. Người dùng có thể sử dụng các tấm rèm màu sáng để che chắn, giảm lượng nhiệt hấp thụ.

Với dàn lạnh, nên lắp ở nơi ít bị nắng chiếu nhất. Việc làm này sẽ làm tăng hiệu quả làm lạnh thêm 10% ở cùng mức nhiệt.

Ngoài ra, không nên lắp điều hòa ở nơi nhiệt độ khó phân tán làm cả phòng nhiệt độ không đồng đều hay nơi có thể thoát nhiệt nhanh như cửa sổ hoặc cửa ra vào.

Không để nhiệt độ quá thấp

Nhiều người có thói quen đặt nhiệt độ trong phòng thấp. Thói quen này vừa không tốt cho sức khỏe lại vừa lãng phí điện năng. Khi đặt nhiệt độ quá thấp, điều hòa sẽ phải chạy nhiều hơn để duy trì nhiệt độ ở mức đã định. Ngoài ra cơ thể người dùng không thích nghi kịp sẽ dễ bị tình trạng “sốc nhiệt”.

Vì vậy, người dùng nên sử dụng điều hòa tại mức nhiệt trung bình từ 25-27 độ. Đây là mức nhiệt phù hợp với khí hậu của Việt Nam. Ngoài ra, tại mức nhiệt này cường độ làm việc của máy sẽ giảm nên sẽ tiết kiệm điện hơn.

Ngoài ra, cũng nên lưu ý, sau bước khởi động máy, người dùng không nên chọn nhiệt độ quá thấp cho điều hòa. Nhiệt độ càng thấp sẽ khiến máy càng phải đẩy hoạt động của động cơ lên cao hơn, điện năng tiêu thụ cũng nhiều hơn.

Hãy để nhiệt độ cao hơn vào ban đêm

Vào ban đêm, hãy tăng điều hòa thêm 1 hoặc 2 độ C so với ban ngày. Trong khi ngủ người dùng sẽ không cần nhiệt độ phải lạnh. Bởi vậy, hãy điều chỉnh điều hòa ở nhiệt độ vừa phải tầm từ 25 – 29 độ khoảng 1 – 2 tiếng trước khi đi ngủ, nhờ đó điều hòa sẽ phải hoạt động ít hơn và tốn ít điện năng hơn.

Hãy sử dụng chế độ hẹn giờ của máy điều hòa để lựa chọn thời gian tắt, nhất là vào lúc khuya khi người dùng đã ngủ. Như vậy, người dùng sẽ vừa có giấc ngủ thật ngon, không bị lạnh về đêm, lại vừa tiết kiệm điện.

Ngoài ra, người dùng cũng nên sử dụng chế độ ngủ đêm được bổ sung ở một số mẫu điều hòa mới hiện nay. Chế độ này hỗ trợ tăng dần nhiệt độ (thường mỗi giờ máy sẽ tăng 0.5 độ và tối đa là 2 độ C) để tránh cho người dùng tỉnh giấc về đêm do cảm thấy lạnh. Khi máy tăng nhiệt độ cũng đồng nghĩa với công suất hoạt động giảm và tiết kiệm điện hơn.

Không nên Bật/Tắt liên tục

Nhiều người dùng có thói quen ra khỏi phòng là lập tức tắt máy điều hòa và bật lại khi thấy lạnh.

Thực tế, đây là một sai lầm làm tốn điện thêm và còn nhanh hỏng máy. Khi bật máy trở lại, máy điều hòa phải tiêu tốn rất nhiều điện năng nhằm khởi động máy nén, động cơ quạt và để làm lạnh không khí đến mức nhiệt độ yêu cầu. Vì khi đó nhiệt độ trong phòng đã nóng lên vài độ, đến mức cơ thể cảm nhận được.

Thao tác Bật/Tắt liên tục cũng khiến điều hòa giảm độ bền. Theo lời khuyên, hãy luôn bật máy và tắt trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý.

Sau khi dùng điều khiển từ xa để tắt máy, hãy ngắt luôn Aptomat (công tắc nguồn điện vào máy) vì thực tế, khi tắt bằng điều khiển, máy vẫn tiêu thụ một lượng điện năng. Ngoài ra, việc ngắt điện vào máy còn để phòng tránh các trường hợp chập điện, gây hư hỏng cho máy.

Thường xuyên thay đổi hướng gió

Các máy điều hòa nhiệt độ sẽ có những cách để điều chỉnh hướng gió sang trái hoặc phải, hướng lên trên hoặc xuống. Do ảnh hưởng độ quay của quạt và vị trí của các ống dẫn hơi lạnh bên trong, nên đa số máy điều hòa nhiệt độ đều có xu hướng thổi hơi lạnh nhiều hơn về một phía. Do vậy, người dùng nên điều chỉnh hướng thổi lạnh vào khu vực cần thiết của phòng (giường tủ, bàn làm việc…) khiến phòng mát đều và nhanh hơn.

Đồng thời, thỉnh thoảng hãy sử dụng nút điều chỉnh hướng gió thổi sang trái hoặc phải, hướng lên trên hoặc xuống để có thể chỉnh nhiệt độ cả phòng ở mức tối ưu nhất.

Sử dụng cùng với quạt điện

Khi sử dụng điều hòa nhiệt độ, bạn nên sử dụng thêm quạt điện. Điều hòa nhiệt độ đủ mát nhưng dùng quạt sẽ giúp lưu thông khí mát trong phòng, điều này cũng có nghĩa là bạn không cần phải giảm nhiệt độ xuống quá thấp, nhờ đó tốn ít điện hơn.

Thêm vào đó, quạt sử dụng điện ít hơn điều hòa nên kết hợp cả hai thiết bị này sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều năng lượng.

Nguồn: news.zing.vn/nhung-cach-nay-co-the-giup-tiet-kiem-dien-khi-dung-dieu-hoa-nhiet-do-post945824.html


THÔNG TIN LIÊN HỆ

ĐIỆN LẠNH SÀI GÒN

Địa chỉ:972/33 Quang Trung – P.8 – Gò Vấp

Hotline:0908 564 533 – 0908 390 720

Email:nghiatrung.vn@gmail.com

Website: http://vesinhmaylanhsaigon.com