Xuân này tròn 10 năm anh Hà Trần Quyền (SN 1984), quê xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế (Bắc Giang) gắn bó với nghề nuôi cá tầm. Có bằng cử nhân Anh ngữ nhưng lại đam mê “chinh phục” cá tầm trong các bể nuôi và cũng là điều khiến anh nhiều trăn trở.

“Bén duyên” với cá tầm

Chiều cuối Đông, tôi đến thăm cơ sở nuôi cá tầm của anh Quyền ở thôn Đồng Thủy, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn). Đây là một phần của trại cá Cấm Sơn, thuộc Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 Bắc Giang, cách hồ Cấm Sơn gần 1km.


Nhìn từ trên cao, các bể cá như những tấm gương lớn, lấp lánh ánh bạc. Tôi đến đúng lúc vợ chồng anh và người làm đang tất bật vớt cá bán cho khách. Những chú cá tầm tươi rói được đưa vào các bao ni lông lớn chứa nước lạnh, bơm oxi căng phồng.

Nâng trên tay một con cá tầm khoảng 3kg, anh Quyền vồn vã, hiện cá tầm thương phẩm tại đây giá dao động từ 180 nghìn đến 230 nghìn đồng/kg, tùy thuộc vào bán buôn hay bán lẻ. Cá càng to, giá càng cao bởi chất lượng ngon hơn. Mỗi năm, cơ sở của anh xuất bán khoảng 8 tấn cá tầm và gần chục tấn cá thông thường khác. Tag: vi khuẩn vibrio

Vãn việc, anh Quyền mới có thời gian tiếp chuyện tôi. Uống vội ngụm trà nóng trên chiếc bàn đá kê giữa sân, giọng nhỏ nhẹ xen trong tiếng nước chảy róc rách, anh tâm sự… Năm 2007, tốt nghiệp đại học với bằng Cử nhân tiếng Anh, trong khi chờ việc, anh theo bác ruột vào Tây Nguyên học nghề nuôi cá tầm.

Qua nhiều năm lăn lộn với nghề, được tiếp xúc, học hỏi từ các chuyên gia cá tầm của Nga nên anh tích lũy khá nhiều kinh nghiệm và “mê” nuôi cá tầm từ đó. Anh đã lập Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam Bắc Giang. Năm 2010, anh mạnh dạn liên kết với Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 Bắc Giang để chăn nuôi cá tầm tại đây. Trong thời gian học và làm nghề, anh đã gặp cô gái quê Hà Tây cũng đam mê với nghề cá và nên duyên vợ chồng.

Phần diện tích ao nuôi cá của anh Quyền khoảng 2ha. Riêng khu nuôi cá tầm bốn bề xây kín tạo thành một bể rộng hơn 2 nghìn m2, đổ nước xâm xấp, tận dụng nuôi các loại cá như: Trắm, chép, rô phi, diêu hồng… Bên trên bể phủ lưới đen chống nóng. Trong bể này, anh xây 60 bể tròn bằng xi măng, đường kính từ 2 đến 4m, cao gần 1m để nuôi cá tầm, từ mới nở đến thương phẩm.

Các bể cá “nối” với nhau bằng hệ thống ống dẫn nước lấy từ hồ Cấm Sơn, chảy liên tục suốt ngày đêm. Trong mỗi bể có một ống tiêu nước, cặn bẩn giúp nước trong bể luôn sạch, đủ hàm lượng o xi và độ lạnh cho cá. Từ năm 2010 đến nay, anh đã đầu tư khoảng 9 tỷ đồng để xây dựng hệ thống bể, ống dẫn nước và máy móc chuyên dùng cho việc nuôi cá.

Anh Quyền giải thích: “Cá tầm thuộc loài sống trong nước lạnh, có xuất xứ từ châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc nên không tồn tại được trong nước nóng quá 30 độ và lạnh dưới 5 độ C. Môi trường thích hợp nhất là 18 đến 26 độ C. Vì thế, tôi chọn khu vực này để nuôi thả bởi chỉ có nguồn nước hồ Cấm Sơn mới đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó”. Tag: men vi sinh

Trăn trở khai thác tiềm năng lớn

Dẫn tôi thăm trại cá, thi thoảng anh Quyền lại vục nước trong các bể lên để kiểm tra thông qua mùi và màu nước. Vớt những con cá tầm nhỏ xíu màu nâu nhạt lên một chiếc thau cho tôi xem, anh chia sẻ đại ý ở Việt Nam có 4 loài cá tầm: Siberi, Beluga, Sterlet và cá tầm Nga đang được nuôi tại khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó phổ biến nhất là cá tầm Siberi.


Trang trại của anh thường nhập giống từ các cơ sở nuôi cá tầm trong nước, chủ yếu là cá tầm Siberi và cá tầm lai (giữa cá tầm Nga và Siberi). Cá con khi mua đạt 3 ngày tuổi, kích thước khoảng 1,5 cm, giá từ 7 đến 15 nghìn đồng/con.

Theo anh Quyền, cái khó nhất trong nuôi cá tầm là nguồn nước và nhiệt độ môi trường. Nếu nhiệt độ quá cao, cá dễ bị nhiễm khuẩn, lở loét và chết. Về thức ăn, lúc nhỏ cá tầm cần nhiều đạm hơn so với loài cá khác. Cá 10 ngày tuổi, 2 giờ cho ăn một lần; 20 ngày tuổi, 3 giờ cho ăn một lần…; trên 30 ngày tuổi (khi cá đạt trọng lượng từ 50-60 gram) mới chia ra các bể lớn. Cá nuôi trong bể lớn cứ 6 giờ cho ăn một lần, bất kể ngày, đêm, mưa hay nắng. Thức ăn cho cá được nhập khẩu từ Pháp, giá cao gấp 3 lần cám thường.

Thời gian nuôi cá tầm thương phẩm từ 12 đến 18 tháng, trọng lượng đạt từ 1,8-2,5 kg/con. Tuy nhiên, tỷ lệ cá sống khá thấp, chỉ đạt dưới 50%. Nếu nuôi đến khi cá có trứng phải mất từ 7 đến 8 năm; cá thuần bản địa phải nuôi từ 12 đến 14 năm mới đến kỳ sinh sản nhưng rất khó chăm. Với giá cả hiện tại, trừ chi phí, mỗi tấn cá tầm thương phẩm, người nuôi thu lãi khoảng 65 triệu đồng, cao gấp nhiều lần các loại cá khác. Tag: tôm chậm lớn

Rời khu nuôi cá, anh Quyền cùng tôi thăm hồ Cấm Sơn. Bất giác anh dừng lại ngước nhìn những cánh hoa đào nở sớm, ánh mắt, giọng nói đầy ưu tư. Năm nay, nắng nóng nhiều nên đào ra hoa sớm, điều đó khiến việc nuôi cá tầm không thuận lợi. Tháng 9 vừa qua, đàn cá hậu bị bố mẹ đang gây nuôi gần 8 năm (trọng lượng khoảng 60 kg/con) của anh bị chết khá nhiều, những con sót lại phải gửi nuôi tận Sa Pa. Cùng đó, 1 nghìn cá tầm thìa đang nuôi thử nghiệm tại cơ sở cũng bị chết chỉ còn duy nhất 1 con, tổng thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Hướng tay về phía hồ mênh mông, anh Quyền cho rằng, Bắc Giang có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi cá tầm trong vùng hồ Cấm Sơn. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật chuyên sâu. Cùng đó, phải có nguồn lực đầu tư, quy trình kỹ thuật bài bản từ hệ thống bể, ống dẫn và thiết bị làm lạnh nước mới bảo đảm cho nghề nuôi cá tầm phát triển bền vững.

“Mong muốn lớn nhất của tôi là được chính quyền, ngành chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn lực đưa nhiều giống cá mới vào nuôi như cá tầm thìa, cá mú nước ngọt, đinh hương… để làm phong phú các giống thủy sản, tăng nguồn thu cho nông dân”, anh Quyền nói chân thật.

Nguồn: danviet.vn/nha-nong/cu-nhan-anh-ngu-chinh-phuc-ca-tam-moi-nam-ban-ca-chuc-tan-1053626.html