Ở cúp quốc gia, CLB TP.HCM hòa Đà Nẵng 0-0, nhưng vẫn vào tứ kết nhờ tài năng của Bùi Tiến Dũng. Trên sân của CLB Hải Phòng, trận hòa 0-0 chưa phải kết quả tệ, nhưng thất bại trước CLB Sài Gòn ở trận derby cho thấy CLB TP.HCM đang sa sút. Ba trận gần nhất, họ không ghi nổi bàn nào, thành tích kém cả CLB Quảng Nam, Thanh Hóa hay Nam Định.
Đọc thêm: Soi kèo trực tiếp
Sau giai đoạn thăng hoa đầu mùa, đội bóng của Chung Hae-seong có nguy cơ phải trở lại mặt đất.

CLB TP.HCM thua CLB Sài Gòn trong trận đấu bế tắc toàn diện. 3 Trận sau đợt nghỉ dịch Covid-19, đội bóng của Chung Hae-seong không thể ghi bàn. Ảnh: Y Kiện - Zing.vn.

CLB TP.HCM tụt dốc
Trước CLB Sài Gòn, Công Phượng cố gắng đi bóng tạo đột biến. Cầu thủ số 21 kiên trì bứt tốc, rê dắt, phối hợp để thoát khỏi số đông hậu vệ. Cũng giống 3 trận trước đó, hiệu quả Công Phượng tạo ra không đủ lớn để anh in dấu giầy vào bàn thắng, dù là ghi bàn hay kiến tạo.
Cả V-League đã thuộc cách đá của Công Phượng. Mùa thành công nhất ở HAGL trước khi chuyển sang Incheon United, Công Phượng cũng tỏa sáng nhờ được dồn bóng và tạo đất diễn. Ở CLB TP.HCM, tiền đạo sinh năm 1995 chỉ là một phần của hệ thống. Muốn thành công, Công Phượng cần sự nâng đỡ tối đa của các vệ tinh xung quanh, nhưng tất cả đều đang có vấn đề.
Sau 2 trận đầu, CLB TP.HCM là đội duy nhất có 6 điểm trọn vẹn, song cả 2 chiến thắng đều chưa hoàn hảo. Trên sân Quảng Nam, CLB TP.HCM bị dẫn trước và lội ngược dòng nhờ 3 bàn thắng của Xuân Nam và Viết Phú. Hai bàn trong số đó ghi sau phút 88. CLB TP.HCM cũng thắng đội Thanh Hóa nhờ bàn quyết định của Xuân Nam ở phút 93.
Xét về số phút ở thế dẫn trước đối thủ trong 4 vòng đầu, CLB TP.HCM xếp ở nhóm cuối với vỏn vẹn 8 phút. Những chiến thắng muộn cho thấy bản lĩnh của đội bóng do HLV Chung Hae-seong dẫn dắt. Dù vậy, CLB TP.HCM không thể trận nào cũng đánh cược vận may vào khả năng ghi bàn của Nguyễn Xuân Nam.
Mùa trước, Đỗ Văn Thuận cùng các đồng đội có quá nửa số chiến thắng tối thiểu nhờ công thức ghi bàn sớm và chơi chắc chắn để bảo toàn thành quả. Khi CLB TP.HCM có 8 phút dẫn trước đối thủ, tức là vỏn vẹn 8 phút ở thế chủ động so với đối thủ. So với 32 phút để đối thủ dẫn trước, đội chủ sân Thống Nhất đang đánh mất khả năng kiểm soát trận đấu.
Công Phượng chỉ là một phần trong chặng sa sút của CLB TP.HCM, nhưng đóng góp của Phượng và biểu đồ phong độ của đội bóng lên và xuống cùng thời điểm. Khi anh ghi bàn nhiều, CLB TP.HCM chơi tốt và ngược lại. Đội bóng của Chung Hae-seong có những lúc bùng nổ, nhưng không thường xuyên và không giữ được sự ổn định trong khoảng thời gian đủ dài.

Công Phượng bị hàng thủ CLB Sài Gòn vây chặt. Một mình cầu thủ sinh năm 1995 khó tạo được khác biệt. Ảnh: Quang Thịnh - Zing.vn.

Ngoại binh gây thất vọng
Một trong những lý do khiến CLB TP.HCM sa sút là phong độ kém cỏi của hàng tấn công, mà đây lại là mặt trận được đội bóng này đầu tư nhiều tiền của nhất. Võ Huy Toàn, Nguyễn Công Phượng, Amido Balde và Alex Lima được mang về, song mới Công Phượng phần nào chứng tỏ được giá trị. Phần còn lại chỉ mang đến nỗi thất vọng.
Amido là phương án thay thế cho David N’Gog, cựu tiền đạo Liverpool, người không chứng minh được năng lực. Alex Lima được đưa về khi cựu tuyển thủ Thụy Điển Viktor Prodell chấn thương dây chằng. Matias Jadue tái phát vết đau, phải cắt hợp đồng sớm cũng là viễn cảnh HLV Chung Hae-seong khó lường trước. Dàn ngoại binh CLB TP.HCM khi đá với Buriram United so với lúc này chỉ còn trung vệ Papa Diakite.
Biến động lực lượng khiến cả hai ngoại binh trên hàng công CLB TP.HCM đều mang tính chắp vá. Nếu như CLB Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh đều có lực lượng ngoại binh ổn định, chất lượng ở mức trung bình của cầu thủ ngoại khiến CLB TP.HCM chưa có sự bứt phá về chuyên môn, trong bối cảnh họ không còn là hiện tượng và phải đá nhiều mặt trận hơn.
Đội bóng của Chung Hae-seong không phụ thuộc vào ngôi sao nào, nhưng khi cần một cái tên lên tiếng đúng lúc, hiếm ai chứng tỏ được mình. Xuân Nam, chân sút số một của CLB TP.HCM từ đầu giải, là cầu thủ dự bị. Tổng bàn thắng của Công Phượng, Phi Sơn, Amido và Lima là 0.
Một vấn đề nữa của CLB TP.HCM là ý tưởng tấn công. Nói về cách bắt bài đối thủ, trợ lý Lê Quốc Vượng của Hải Phòng cho rằng chỉ cần đẩy Hồ Văn Thuận về sát vòng 16,5 m phòng ngự và đẩy Phi Sơn ra xa vòng 16,5 m tấn công, đội bóng áo đỏ sẽ hết đường lên bóng. Minh chứng cho thấy CLB Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng và Sài Gòn đều gây khó dễ cho CLB TP.HCM khi vây chặt Văn Thuận, Phi Sơn và phòng ngự với số đông.

HLV Chung Hae-seong cần thời gian tạo dựng sự ổn định cho CLB TP.HCM. Ông không thể cứ chờ đợi vào cái duyên của một cầu thủ dự bị. Ảnh: Y Kiện - Zing.vn.

Ở V-League, ngoài CLB Hà Nội, chưa đội nào tấn công đủ mạnh mẽ, nhuần nhuyễn để áp đặt đối thủ. CLB TP.HCM thành công mùa trước nhờ hàng phòng ngự chắc chắn và lối chơi phản công nhanh. Để đá áp đặt cho xứng với hàng công toàn “sao” và vị thế đương kim á quân, HLV Chung Hae-seong cần thời gian. Một nhóm cầu thủ tấn công tốt không thể lập tức tạo thành hàng công mạnh.
Áp lực từ thành công mùa trước là trở lực lớn với các đội bóng trong quá trình xây dựng. Đó là lý do ngoài CLB Hà Nội, phần còn lại của V-League đều không duy trì được thành công. CLB TP.HCM đang trong thời gian tái cơ cấu lại đội hình. Những vấp váp lúc này là chấp nhận được. Cần nhớ, đội đứng đầu bảng V-League cũng chỉ hơn TP.HCM 1 điểm.
CLB Sài Gòn, Viettel, SLNA dẫn đầu với cùng 8 điểm, trong khi cùng thời điểm này mùa trước, CLB Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng đều đã có 9 điểm trở lên.
Bất ổn về phong độ đang là xu hướng chung của V-League mùa này. CLB TP.HCM còn thời gian sửa sai. Dẫu vậy, thể thức mới khiến các đội dễ trả giá hơn nếu kéo dài trạng thái sa sút. Công Phượng và đồng đội phải sớm trở lại.
Thủy Tiên - Zing.vn | 11:16 14/06/2020