Năm ngoái, kỷ niệm 10 năm ra trường, thấy ban liên lạc lớp khuấy động phong trào rất sôi nổi, yêu cầu tất cả mọi người có mặt, vì thế, tôi cũng hào hứng tham gia.

Khóa học đó của chúng tôi có 55 thành viên. Từ khi ra trường, cứ 2 năm một lần, lớp tôi tổ chức họp lớp. Tuy nhiên, những lần trước, vì vướng bận công việc, con cái, gia đình, nên tôi không thể tham gia, và cũng không có thời gian để chuyện trò với mọi người.

Năm nay, thấy sôi nổi quá, lại nghĩ đã 10 năm ra trường, tôi cũng muốn gặp lại bạn bè để chuyện trò vui vẻ, ôn lại những tháng ngày sinh viên đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Vì thế, tôi đã rất trông đợi và mong ngóng.

Hôm họp lớp, ban liên lạc lớp tôi đặt chỗ ở một khu resort bên ngoại thành Hà Nội. Vì thế, tôi phải đi trước cả tiếng đồng hồ mới đến điểm hẹn đúng giờ.

Đến nơi, vào bãi gửi xe, chỉ thấy vài chiếc xe máy cà tàng. Đó là xe của những bạn ở tỉnh đến. Chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui vẻ, nói cười trò chuyện. Sau đó, 20, 30 phút trôi qua, những chiếc tô tô mới từ từ tiến đến bãi đậu xe.

Bước xuống xe là những người bạn ăn mặc sang trọng. Con trai thì đĩnh đạc hiên ngang, con gái thì ăn diện và đi đứng như sàn diễn thời trang khiến mấy đứa chúng tôi cứ trố mắt nhìn. Nhìn bạn xong, rồi lại ngó xuống mình, tự nhiên thấy mình luộm thuộm và tự ti hẳn.

Đã vậy, khi thấy các bạn đến, vài người lên tiếng trách đùa bảo vì sao đến muộn thế. Tức thì, 1 bạn trong nhóm có xe sang trọng đáp lời bằng cái giọng rất tưng tửng, "Những người quan trọng, họ vẫn đủng đỉnh vậy đó. Không có chúng tôi, các ông các bà có dám khai tiệc không?". Nói xong, cậu ta cười hô hố, các bạn đến muộn khác cũng cười nói theo, vài bạn gái sang chảnh còn liếc mắt nhìn bằng cái cái ánh mắt rất xem thường người khác.

Thế là tự nhiên, nhóm đi xe máy chúng tôi trầm hẳn. Cả bọn ngồi gọn vào một góc. Để "sân khấu" cho nhóm đi ô tô tự biên tự diễn. Họ chuyện trò sôi nổi. Con trai thì khoe nhà to, xe xịn, kiếm tiền tỉ, tiêu tiền tỉ… con gái thì khoe chồng giàu, đi xe sang, ở nhà có người phục vụ, quần áo, mỹ phẩm… toàn mua bằng tiền triệu.
Nóng mắt vì bạn cũ chê 10 năm vẫn ở nhà thuê, đi xe xập xệ
Ảnh minh họa

Chúng tôi ngồi bàn bên, đứa nào đứa nấy chỉ biết cúi đầu xuống, cắm mặt vào những món ăn. Nhưng, cũng chẳng thể ăn nổi vì cái cảm giác lạc lõng, kém cỏi khi thua bạn kém bè cứ đè nặng lên đầu mỗi đứa.

Mãi sau, 1, vài cậu trong nhóm "sang chảnh" cầm ly rượu tiến đến bàn chúng tôi. Cậu ta bắt đầu bằng 1 câu nói đùa nhưng lại khiến chúng tôi tái mặt: "có phải mấy cái xe cà tàng dựng ngoài kia là của các ông các bà không? Ra trường 10 năm rồi vẫn chưa thay xe hả? tôi phục các ông các bà quá". Nói xong, cậu ta cười, ra hiệu bảo chúng tôi nâng ly.

Cả mâm đang nâng ly thì 1 cậu cứ đi chỉnh tay cầm ly của từng người. Chỉnh đến đâu, cậu ta chê đến đó. Bảo, "mấy bố đi ăn tiệc đãi khách sang mà cầm ly thế này là họ biết các bố không có tiền rồi".

Sau đó, nhìn thấy tôi. 1 cậu đi xe sang nhất, nhìn có vẻ giàu có nhất nhưng tôi biết ngày trước cậu ấy học dốt nhất lớp và hay chép bài của tôi nhất tiến đến gần tôi.

Biết tôi là cán bộ nghiên cứu nhưng vẫn đi xe máy, ở nhà thuê, ăn mặc thì giản dị, cậu ấy cười bằng cái giọng mỉa mai hết mức: "nhìn ông, tôi càng khẳng định, con đường đi của tôi là đúng. Không phải cứ nhiều chữ thì sẽ giàu…"

Tiếp đến, cậu ta tuyên bố với ban liên lạc là không thu tiền họp lớp, đóng quỹ lớp của những bạn đi xe máy. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý. Vì thế, sau khi thống nhất nộp tiền xong, chúng tôi nhanh chóng ra về. Trên đường về, càng nghĩ, tôi càng cay cú. Biết thế, mình chẳng đi, đi rồi lại rước bực vào mình.

Về nhà, tôi điện thoại nói chuyện với một vài người bạn mà hôm nay không đến họp lớp, tôi mới vỡ lẽ, hóa ra cái độ vô duyên và thích khoe mẽ của các bạn giàu có kia đã xuất hiện từ những lần họp trước. Vì thế, những người có đời sống, công việc nhàng nhàng đều chỉ đến 1 lần và không còn muốn đến lần thứ 2 nữa. Thành ra, mang tiếng là họp lớp nhưng cũng chỉ các bạn nhà giầu tham gia. Những người kém hơn có đến cũng chỉ là đề tài cho các bạn châm chọc và gièm pha mà thôi.





Độc giả Hoàng Anh / Theo Vietnamnet