Những vụ sập giàn giáo khiến nhiều người thương vong không chỉ gây ra nỗi đau mà còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều người lao động.

Liên tiếp những vụ sập công trường khiến nhiều người thương vong đáng gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng nhà thầu cũng như tình trạng thiếu an toàn lao động nơi các công trình xây dựng.

Sập giàn giáo ở công trường Formosa, 17 người chết

Vào khoảng 20h ngày 25/3, khối sắt thép nặng hàng nghìn tấn của giàn giáo đang thi công tại khu công nghiệp Vũng Ánh (Hà Tĩnh) bất ngờ đổ sập khiến 17 người tử vong, 24 người khác bị thương.
Công tác cứu hộ vẫn đang được thực hiện.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, các nạn nhân bị thương đã được chuyển đến bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh và bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị của tỉnh Hà Tĩnh đều đã tới hiện trường để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân, khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Đã có tới 17 người tử vong và 24 người bị thương trong vụ tai nạn.

Theo anh Nguyễn Văn Thế (41 tuổi, quê ở Quảng Bình) công nhân làm việc tại công trường cho biết, trước khi sập 30 phút, giàn giáo đã rung chuyển mạnh.

Nghe tiếng động rồi tiếp đó là tiếng người hô, anh nhìn lại, tận mắt thấy hệ thống giàn giáo bên cạnh đổ ập xuống vùi lấp hàng chục người. Đến lúc ra thăm người cháu tại bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, người đàn ông này vẫn chưa hoàn hồn.

"Khi tôi vừa kịp định thần thì đã thấy cả khung giàn giáo đổ ập xuống trước mắt. Những tiếng la hét kêu cứu, công nhân chạy tán loạn", anh Thế nhớ lại.

Nguyên nhân ban đầu vụ sập giàn giáo ở Formosa, Hà Tĩnh được xác định do đường ray của dàn thủy lực bất ngờ rơi xuống từ độ cao khoảng 30m kéo theo toàn bộ hệ thống giàn giáo.

Điều đáng nói là năm 2014, cũng tại công trường này đã xảy ra một vụ sập giàn giáo khác khiến 2 người chết tại chỗ và 3 người bị thương nặng.

Sập giàn giáo đường sắt trên cao, 4 người bị thương

Khoảng 4h sáng 28/12, một đoạn đà giáo dài khoảng 10 mét trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị sập khi công nhân đang chuẩn bị đổ bê tông trụ mũ H7. Đoạn công trình bị sập gần bến xe Hà Đông, thuộc khu vực nhà ga của công trình đường sắt đô thị. Khối lượng lớn bê tông, sắt thép trên độ cao khoảng 6 mét đổ sập xuống tuyến đường Trần Phú đè bẹp một chiếc taxi.
Hiện trường chiếc taxi bị đè bẹp.

Chiếc xe bị đè nát mang biển số 30V-8195. Theo những người dân ở khu vực xảy ra vụ tai nạn, trên taxi lúc đó có 4 người, anh Nguyễn Bá D. (sinh năm 1974), tài xế điều khiển chiếc xe taxi bị thương nặng.

"Lúc giàn giáo đổ ập xuống xe, tôi rất hoảng loạn, hành khách la hét thúc giục. Tôi rất lo lắng, chỉ cần xe tôi di chuyển 1m nữa thì toàn bộ rọ sắt, giàn giáo và bê tông sập vào vị trí tôi và hành khách ngồi. Cửa xe không mở được, ba nữ hành khách phía sau hoảng loạn nói với tôi phải đưa họ ra ngoài. Chúng tôi cố mọi cách để phá cửa trong bất lực ”. Anh D. cho biết.

Ngay sau khi, sự cố xảy ra, đơn vị chức năng đã huy động khoảng 50 công nhân tới hiện trường để tháo dỡ đống sắt thép, vật liệu.

Sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ, 54 người thiệt mạng

Khoảng 8h sáng ngày 26/9/2007 cầu dây văng bắc qua sông Hậu, đang thi công bỗng nhiên bị sập 2 nhịp phía đầu Vĩnh Long. Hàng chục công nhân và kỹ sư đang làm việc bị vùi trong đống đổ nát. Theo thông tin ban đầu, khoảng 20 thi thể đã được kéo ra.
Hiện trường vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Ảnh: P.V

Theo một cán bộ thi công ở nhịp cầu giữa sông thì đoạn dầm cầu bị sập bắc qua trụ 13, 14, 15 dài 87 m, rộng 24 m, vừa được đổ bê tông ngày hôm qua. Lúc xảy ra sự cố có khoảng 120 công nhân đang làm việc trên đoạn dầm và khoảng 100 công nhân làm việc ở phía dưới. Khi dàn giáo bị sập tất cả công nhân ở phía trên đã bị kéo tuột xuống.

Vụ tai nạn khiến 134 người thương vong, trong đó 54 người chết, 80 người bị thương.

Trong số người chết, xác anh Trần Văn Hơn được tìm thấy và lấy ra từ đống đổ nát sáng ngày 17/10 là người cuối cùng. Trong số 54 người chết có 52 người chết tại hiện trường vụ thảm họa, 2 người bị thương rất nặng sau đó chết tại phòng cấp cứu Viện quân y 121.

Nguyên nhân vụ sập là do lún lệch đài móng trụ tạm.

Nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm đã xảy ra tại các công trường lao động khiến hàng nghìn người thương vong. Một trong những nguyên nhân chính được cơ quan chức năng đưa ra vẫn là: ý thức chấp hành kỷ luật An toàn lao động của các doanh nghiệp và người lao động ở mức thấp. Trong khi nhiều chủ sử dụng lao động cố tình cắt giảm chi phí dành cho công tác bảo đảm An toàn lao động, phía người lao động phần do thiếu hiểu biết và ngại đấu tranh, nên một phận không nhỏ cũng bỏ qua vấn đề này, chấp nhận nguy hiểm khi làm việc.

Để giảm thiểu tai nạn lao động, các doanh nghiệp, cá nhân cần nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn lao động để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động.