Bị dập nát một nửa bàn tay phải, chàng trai 18 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 thực hiện vi phẫu chuyển ngón chân thứ hai để thay thế ngón tay cái.

Bệnh nhân là công nhân tại Củ Chi, bị tai nạn lao động khi sử dụng máy dập. Nam thanh niên nhập viện trong tình trạng mất máu nhiều, bàn tay dập nát không thể giữ lại hay nối ghép vi phẫu. Để tránh tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc cho bệnh nhân, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân 115 tiến hành mổ cấp cứu tháo một phần bàn tay.

Bác sĩ Vũ Minh Đức, Khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết ba tuần sau mổ cấp cứu, khi vết thương ổn định, không còn dấu hiệu nhiễm trùng và lên mô hạt tốt, các bác sĩ đã lên kế hoạch phẫu thuật tỉ mỉ cho bệnh nhân. Ban đầu bệnh nhân được làm một vạt da để che phủ nơi khuyết hổng da vùng bàn tay. Sau đó 2 tháng, khi vạt da ổn định các bác sĩ chuyển ghép một ngón chân lên làm ngón tay cái.

"Chuyển ghép ngón chân bệnh nhân không thể sử dụng phương pháp ghép da mà phải làm vạt da che phủ. Vạt da trong trường hợp này lấy từ mặt sau cẳng tay còn gọi là vạt da liên cốt sau", bác sĩ Đức phân tích.
Bàn chân bệnh nhân sau khi lấy bớt 1 ngón. Ảnh: MD

Bàn chân bệnh nhân sau khi lấy bớt 1 ngón. Ảnh: MD

Trong gần 9 giờ mổ chuyển ghép ngón chân làm ngón tay, các phẫu thuật viên đã song song bóc tách các mô vùng cẳng tay bao gồm mạch máu, thần kinh, gân và xương và bóc tách ngón chân thứ hai. Việc chuyển ngón chân lên bàn tay cần kết hợp xương, khâu gân gập và duỗi, nối mạch máu và thần kinh cảm giác. Toàn bộ cuộc phẫu thuật được thực hiện dưới kính lúp vi phẫu thuật.

Sau mổ 5 tuần, ngón chân bệnh nhân sống tốt với vai trò mới. Đây là phương pháp chuyên sâu đã được bác sĩ Võ Văn Châu là người đầu tiên thực hiện tại Việt Nam năm 1995 tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Nhân dân 115 thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu phức tạp này, mở thêm hy vọng cho những bệnh nhân có mong muốn tái tạo lại các ngón tay sau tai nạn.



Theo Mỹ Lê / Vnexpress