Ở những đô thị phát triển, ô nhiễm không khí xuất phát từ các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất, nhà máy năng lượng hoặc gần gũi nhất là khí thải từ các phương tiện giao thông.

Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng ô nhiễm không khí có liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2, tăng lượng đường trong máu ở những phụ nữ đang mang thai và một số loại bệnh khác. Nghiên cứu mới đây cũng đã chứng minh rằng, chất lượng không khí kém có thể làm giảm chỉ số thông minh (IQ) của trẻ, ảnh hưởng tới khả năng học hỏi và tiếp nhận thông tin.

Tiếp xúc với không khí làm giảm trí tuệ

Một báo cáo từ trường y tế công cộng Mailman thuộc đại học Columbia kết luận rằng, trẻ em được sinh ra từ những bà mẹ làm việc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm không khí sẽ có khả năng bị giảm sút trí tuệ. Sự nghiêm trọng của việc sa sút trí tuệ này là chúng hình thành một cách bẩm sinh, ngay từ khi trẻ còn là thai nhi và ảnh hưởng tới xuyên suốt cuộc đời của đứa trẻ.

Các khí thải trong không khí đều rất độc hại bao gồm chì, CO, CO2 và nguy hiểm nhất là chất PAH bởi nó gây ảnh hưởng tới chỉ số thông minh. Không những vậy PAH rất phổ biến trong các đô thị bởi loại khí thải này xuất phát từ các phương tiện giao thông, hoạt động đốt than, phát điện, và ngay cả trong khói thuốc lá.

Thai nhi tiếp xúc với PAH cho thấy sự chậm phát triển từ 3 tuổi

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 276 trẻ em bắt đầu từ khi còn là các thai nhi trong suốt 7 năm và các đối tượng được nghiên cứu ở trong khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn. Những đứa trẻ trong nghiên cứu được kiểm tra thông qua các bài tập đánh giá chỉ số thông minh. Kết quả cho thấy rằng điểm số của những đứa trẻ này thấp hơn so với những đứa trẻ sống ở những vùng không bị ô nhiễm không khí. Trên thực tế, bộ nhớ chịu trách nhiệm chính trong việc truy cập cũng như xử lý thông tin. Khi bộ nhớ bị suy giảm sẽ kéo theo các vấn đề về phản xạ, nhận thức, xử lý thông tin và PAH là một trong những "thủ phạm".

Quá trình theo dõi sự phát triển của nhóm đối tượng trong nghiên cứu cũng cho thấy rằng, khả năng phát triển về thể chất khi những đứa trẻ này bắt đầu bước sang tuổi thứ 3 sẽ chậm lại.

Kết quả trong nghiên cứu này đã cho thấy sự nguy hiểm của các chất thải không khí, đặc biệt là PAH đối với sức khỏe cũng như chỉ số thông minh của trẻ. Đồng thời, các nhà khoa học cũng kêu gọi mọi người tuyên truyền đa phương tiện nhằm góp phần giảm lượng chất thải không khí và cải thiện môi trường sống giúp những đứa trẻ có thể phát triển một cách khỏe mạnh nhất.

Tiếp xúc với PAH cũng có thể gây trầm cảm ở trẻ

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai tiếp xúc với PAH không chỉ khiến trẻ chậm phát triển, giảm chỉ số thông minh mà còn liên quan tới các vấn đề về trầm cảm. Hầu hết các đối tượng trong nghiên cứu có dấu hiệu của sự lo âu, trầm cảm khi bước sang tuổi thứ 7. Đây là lý do mà các các nhà khoa học đề nghị có một chính sách nhằm giảm thiểu khí thải độc hại./.