Bác sĩ Lưu Quốc Khải, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân, cho biết thực hiện đầy đủ bảo hộ phẫu thuật - Ảnh: CTV

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 9-7, ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội, cho biết kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy 18 y, bác sĩ của Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội âm tính với HIV.

Tuy vậy, hiện những nhân viên y tế này đều được chỉ định uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. “Sau khoảng 20 ngày, chúng tôi sẽ tiến hành xét nghiệm lại lần 2 để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không. Tuy nhiên, theo tôi nguy cơ nhiễm là rất thấp. Bản thân bác sĩ phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân đều thực hiện đúng các quy định về khi tiếp xúc và phẫu thuật cho bệnh nhân. Ngay sau ca phẫu thuật, 18 y bác sĩ tham gia ca phẫu thuật, trong đó có 5-6 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đều được uống kháng virus dự phòng HIV” - ông Tuấn nói.

Trước đó, ngày 4-7, bệnh nhân N.T.H. trên đường từ Quảng Ninh về Hà Nội đã có biểu hiện xuất huyết âm đạo và ngất xỉu. Ngay lập tức, bệnh nhân H. được cấp cứu vào BV Phụ sản Hà Nội trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập và nguy kịch. Ngay lập tức, các y, bác sĩ cấp cứu phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung bệnh nhân để cầm máu. Tử cung đã bị hoại tử, không thể bảo tồn, buộc cắt bỏ để bảo toàn tính mạng. Bệnh nhân phải truyền 4 lít máu. Do quá trình phẫu thuật diễn ra khẩn trương, không thể chậm trễ nên sau phẫu thuật, các bác sĩ mới biết kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân dương tính với virus HIV.

Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng Khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh, cho biết tình trạng bệnh nhân N.T.H. khi đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch nên được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật. Nếu đưa vào phòng phẫu thuật, tim ngừng đập lần 2, bệnh nhân sẽ tử vong. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng và các bác sĩ phẫu thuật phải cắt toàn bộ tử cung để cầm máu.

Thông thường, các sản phụ được xác định nhiễm HIV sẽ được bố trí sinh mổ tại một phòng riêng tại BV với quy trình hết sức nghiêm ngặt phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế và các sản phụ, bệnh nhân đến sinh và điều trị. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khải, thời điểm đó kíp phẫu thuật không còn đủ thời gian để chần chừ, để mặc thêm những bộ áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân hay đưa bệnh nhân lên phòng phẫu thuật bởi chỉ một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của bệnh nhân. Hiện sức khỏe của bệnh nhân H. đã ổn định.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết: 18 y, bác sĩ của BV Phụ sản Hà Nội đã được uống thuốc kháng virus rất sớm.

Hằng năm, cả nước có hàng trăm trường hợp nhân viên y tế phơi nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Tất cả đều được dùng thuốc dự phòng kịp và chưa có trường hợp y, bác sĩ nào bị nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp.

Ông Lê Nhân Tuấn cũng cho biết ở Hà Nội hơn 10 năm qua chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế nào bị phơi nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. Tuy nhiên ngành y là ngành có nguy cơ cao nên vấn đề quan trọng là nhân viên y tế cần hiểu biết và dự phòng các yếu tố nguy cơ.



Theo N.Dung / Người Lao Động