Cháu bé xấu số - Ảnh: facebook chị Hiền

Sản phụ trên tên Nguyễn Kim Hiền, 21 tuổi (ngụ khu vực Tràng Thọ 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), hiện đang nằm điều trị sau sinh tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Thốt Nốt, TP.Cần Thơ.

Nỗi đau của người mẹ trẻ

Theo những lời chia sẻ của sản phụ này, hai vợ chồng chị vừa từ Hàn Quốc về nước. Trước khi về đến Cần Thơ, họ đã từng ghé một bệnh viện ở TP.HCM để siêu âm thai nhi. Kết quả siêu âm cho thấy cháu bé bình thường, không có dấu hiệu bệnh tật gì.

“Vậy mà khi về Cần Thơ sinh ra bé, các bác sĩ nói bé bị bẩm sinh nhưng không cho người nhà tôi thấy tình trạng thế nào mà đưa thẳng xuống Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho đến chết mới thấy được mặt con và rốn con”, chị Hiền viết.


Sản phụ có con ‘ruột trào khỏi bụng’ tố bệnh viện khiến trẻ chết oan - ảnh 2
Những dòng chia sẻ trên Facebook của sản phụ Nguyễn Kim Hiền

Chị Hiền cũng cho biết, lúc sinh có người trong phòng sinh đã nói phải ấn bụng mới sinh con nhanh, rồi người này đã đặt hai tay lên bụng chị Hiền kiểu tay trên tay dưới và dùng hết sức để ấn bụng chị cho đến khi em bé chào đời, tiếng khóc của bé vang lên.

“Ai đã từng làm mẹ xin hay hiểu nỗi đau tình mẫu tử này… Em kiệt sức rồi. Vợ chồng em đã trông đợi từng ngày để gặp con… Sinh con xong các bác sĩ nhanh chóng tự ý chuyển con tôi xuống Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, không cho em gặp mặt con... Con vĩnh viễn rời xa mẹ thật rồi! Khi đến một hình hài bé nhỏ khi đi chỉ một hũ tro tàn... Con đi xa quá lâu lâu nhớ về thăm mẹ và hôn mẹ nhé con trai! Chào đời ngày 15.7.2015 đã qua đời được 3,1kg. Ba mẹ sẽ sớm lấy lại công bằng cho con”, những dòng chia sẻ của chị Hiền đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Bệnh lý lạ

Theo thông tin từ BVĐK quận Thốt Nốt, chị Hiền được gia đình đưa đến bệnh viện này lúc 10 giờ ngày 15.7 do có những dấu hiệu đau bụng sinh.

Đến khoảng 20 giờ 40 cùng ngày, chị Hiền sinh một bé trai. Tuy nhiên, khi bé vừa sinh ra, đã bị một vết toác (hở) sát chân rốn bên trái thành bụng dài khoảng 3cm, trơn láng không chảy máu, ruột của cháu bé bị đẩy ra ngoài thành bụng, khối thoát vị chiếm khoảng 5-6cm3.

Bác sĩ Lê Văn Lóng, Giám đốc BVĐK quận Thốt Nốt, cho biết: “Cháu bé được chẩn đoán bị thoát vị rốn bẩm sinh, chúng tôi đã hội chẩn qua điện thoại với Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ và bệnh viện này đã đề nghị chuyển cháu bé. Kíp trực đã dùng gạc vô trùng có tẩm nước muối sinh lý ấm bọc khối thoát vị và nhỏ nước muối sinh lý qua miếng gạc ẩm này để cấp cứu cho bé và chuyển cháu bé lên Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ ngay trong đêm”.

Kết quả khám, hội chẩn lúc 21 giờ ngày 15.7 của BVĐK quận Thốt Nốt cũng ghi nhận: “Bé hồng, phản xạ tốt, tim đều 110 lần/phút, phổi trong không khó thở nhịp thở 30 lần/phút. Khối ruột thoát vị màu hồng trơn ướt, vết toác (hở) thành bụng dài 3cm trơn láng không chảy máu.

Theo bác sĩ Lóng, bệnh thoát vị rốn bẩm sinh là bệnh lý rất hiếm gặp với tỉ lệ 1/5000 – 1/10000. “Gặp trường hợp thoát vị rốn bẩm sinh, bệnh viện không đủ khả năng can thiệp. Theo tôi biết thì ở Cần Thơ cũng chưa có chỗ nào có khả năng can thiệp được, chỉ có những trung tâm lớn như Bệnh viện Nhi Đồng ở TP.HCM mới có thể thực hiện”, bác sĩ Lóng nói.

“Rất tiếc, trình độ bệnh viện còn hạn chế...”

Chiều ngày 23.7, trao đổi với Thanh Niên Online, bác sĩ Phạm Phú Trường Giang, Chánh thanh tra Sở Y tế Cần Thơ, người được giao phát ngôn vụ việc này cho biết, dị tật bẩm sinh của cháu bé con chị Hiền là “thoát vị thành bụng bẩm sinh”, không phải “thoát vị rốn bẩm sinh” như chẩn đoán ban đầu của BVĐK quận Thốt Nốt.


Lá đơn của vợ chồng anh Bùi Minh Tú và Nguyễn Kim Hiền bên cạnh kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Cần ThơLá đơn của vợ chồng anh Bùi Minh Tú và Nguyễn Kim Hiền bên cạnh kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Cần Thơ

Theo bác sĩ Giang, dị tật này rất khó phát hiện. Trong quá trình siêu âm trước sinh các bác sĩ cũng không thấy. Với dị tật này thì khe hở bụng rất mỏng. Em bé nằm trong bụng mẹ là môi trường áp lực âm, khi sinh ra bé không thở bằng đường rốn nữa, sẽ có áp lực đẩy các bộ phận bên trong và tạng của em bé bị đẩy ra ngay chỗ vết hở tự nhiên, không phải là vết rách. Đoạn ruột bị đẩy ra ngoài cũng hồng hào bình thường.

Cũng theo bác sĩ Giang, khi ruột em bé lòi ra ngoài, thì cơ thành bụng theo phản xạ sẽ co khít lại, chèn ép ruột, máu nuôi không đến phần ruột lòi ra dẫn đến hoại tử.

“Nếu giải quyết ngay ruột không hoại tử, thì có thể cứu em bé. Nhưng rất tiếc với trình độ của một bệnh viện quận, huyện còn hạn chế, trong khi đây là một kỹ thuật cao, chuyên sâu nên không không can thiệp kịp thời được”, bác sĩ Giang nói.

Cũng theo bác sĩ Giang, khi tới Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, bé vẫn trong tình trạng phản xạ tốt, thở đều. Bệnh viện đã xử trí hồi sức, tiêm kháng sinh chống nhiễm trùng, nâng sức thể trạng, cho thở hỗ trợ...

Bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cho rằng: “Lúc đó bệnh viện có hội chẩn nhưng không dám mổ can thiệp vì bé yếu. Vì vậy bệnh viện quyết định điều trị nội khoa cho bé vượt qua sốc mới thực hiện mổ được”.

Anh Bùi Minh Tú (39 tuổi), cha của cháu bé tử vong bức xúc: “Ngay sau khi chuyển xuống Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, tôi thấy tình trạng con tôi không ổn, tôi đã năn nỉ học cho chuyển con tôi lên TP.HCM mà họ cứ nói, 30 phút có xe, rồi lại 30 phút có xe mà mãi không thấy”. Anh Tú nói thêm: “Trong lúc yêu cầu chuyển con lên tuyến trên tôi đã gọi điện khắp nơi lên đường dây nóng bệnh viện, Sở Y tế Cần Thơ để cầu cứu nhưng không được, những cuộc gọi vẫn lưu đầy trong danh bạ điện thoại”.

Trả lời Thanh Niên Online về điều này, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ trả lời: “Cha cháu bé có hỏi chuyển viện cho cháu nhưng bệnh viện không thể chuyển vì cháu thở máy, chuyển đi sẽ không chịu nổi”.

Anh Bùi Minh Tú, cho biết đã gửi đơn khiếu nại sự việc lên Sở Y tế để làm rõ hơn cái chết của con anh. “Tôi khiếu nại không phải cho tôi, cho vợ tôi, còn con tôi thì đã chết. Tôi khiếu nại vì không muốn thấy những người khác phải gánh chịu hậu quả như gia đình tôi”, anh Tú đau buồn nói.