Nhiều ngày qua, thông tin sản phẩm khăn ướt Baby Care nhập nhèm nơi sản xuất, mã vạch và chất lượng không đảm bảo đang khiến người tiêu dùng hoang mang.

Tuy nhiên, những động thái tích cực từ các siêu thị trong cả nước đang nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay.

Nhiều siêu thị “xóa sổ” khăn ướt Baby Care khỏi kệ hàng



Ngay sau khi có động thái nghi vấn Công ty CP thương mại và dịch vụ quốc tế Việt Úc (công ty Việt Úc) lừa dối người tiêu dùng, siêu thị Sài Gòn Co.op Mart quyết định rút toàn bộ sản phẩm khăn ướt BabiCare ra khỏi quầy bán hàng của siêu thị.

Sài Gòn Co.op mart gỡ toàn bộ các sản phẩm khăn ướt của Công ty Việt Úc gồm: BabiCare (thường được biết đến là BabyCare), TeenCare, WonderCare, WeCare. Ngay sau đó, nhiều siêu thị cũng bắt đầu rut khăn ướt của công ty này khỏi kệ như: Metro, Maxi mart, Satrafood cũng rút toàn bộ nhãn hàng của Công ty Việt Úc khỏi kệ.

Nhưng, phía công ty Việt Úc vẫn khẳng định sản phẩm hăn ướt Baby Care của mình không liên quan gì đến sản phẩm mà báo giới đang phản ánh là nhập nhèm nơi sản xuất, mã vạch và chất lượng không đảm bảo.Những sản phẩm có mã số mã vạch của nước Úc, sản xuất tại Trung Quốc, có 4 nếp gấp là hàng nhái của Công ty.

Lý giải về vấn đề này, phía đại diện công ty Việt Úc cho rằng đây là chiêu cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ đã cố tình chụp ảnh sản phẩm giả (được làm bằng thủ công, có 4 nếp gấp chạy dọc bao bì) để bêu xấu sản phẩm Baby Care. Tuy nhiên, nói là như vậy nhưng tiếng nói bảo vệ chính mình, sản phẩm của mình và sức khỏe người tiêu dùng của lãnh đạo Công ty Việt Úc lại rất "yếu ớt" trong khi có quá nhiều dư luận khác nhau về sản phẩm Baby Care khiến người tiêu dùng hoang mang.

Theo tìm hiểu, Công ty Việt Úc hiện sở hữu các nhãn hàng từ khăn ướt đến dầu tắm gội, nước giặt cho trẻ em, tuổi vị thành niên và gia đình như: BabiCare, TeenCare, WonderCare, WeCare… những sản phẩm này, đặc biệt là khăn ướt (khăn thơm) đã tồn tại trên thị trường Việt Nam trong 12 năm qua.

Tuy nhiên, từ năm 2007, Công ty Việt Úc đã bị người tiêu dùng phản ánh sản phẩm này ghi nhãn phụ tiếng Việt “sản xuất bởi Công ty Wonder Care (Úc)” song thực tế bao bì in bằng tiếng Anh lại có thêm dòng chữ “Made in PRC” tức là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Trên thị trường hiện có rất nhiều đại lý, cửa hàng, siêu thị đã rút sản phẩm Baby Care của Công ty Việt Úc ra khỏi quầy bán hàng và không bán sản phẩm này nữa vì nghi vấn nhãn mác không rõ ràng. Chủ một cửa hàng tạp hóa lớn trên phố Yên Hòa (Hà Nội) cho hay, nhiều ngày nay thấy báo đài phản ánh về nguồn gốc, nhãn mác không rõ ràng của sản phẩm khăn ướt Baby Care nên tạm thời không lấy hàng về bán. “Chắc phải đợi khi nào có kết quả chính thức thì tôi mới lấy tiếp hàng về bán. Vì đây là mặt hàng nhiều người ưa dùng nhưng giờ khách hàng cũng không thích hàng nhái nên mình phải chấp nhận”, anh T. chủ hàng cho biết.

Cùng tâm lý như vậy, nhiều đại lý hàng hóa tại một số địa bàn Hà Nội như Đống Đa, Cầu Giấy,…gần như tạm thời không bán sản phẩm của Công ty Việt Úc. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống siêu thị Saigon Co.opmart trong cả nước đã rút toàn bộ sản phẩm của Công ty Việt Úc khỏi quầy bán hàng của hệ thống siêu thị này, ngưng bán và chờ ý kiến kết luận của cơ quan chức năng.

Quyền lợi người tiêu dùng được lên tiếng

Phía đại diện siêu thị Saigon Co.op Mart Hà Nội cho biết, "Tùy từng trường hợp mà Tổng công ty sẽ xử lý. Hiện tại là ngừng bán chờ ý kiến cơ quan chức năng kiểm tra. Có trường hợp là rút vĩnh viễn, không cho bán trong hệ thống của Saigon Co.op Mart. Việc Saigon Co.op Mart tạm ngưng kinh doanh sản phẩm Baby Care là để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và sẽ kinh doanh trở lại sau khi có kết luận của cơ quan chức năng. Đây là nguyên tắc kinh doanh của Saigon Co.op khi có bất kỳ thông tin phản ánh về sản phẩm ".

Ngoài ra, nhiều đại lý lớn, siêu thị trên cả nước cũng có những động thái tích cực như trên. Có lẽ chính những động thái nói trên của các đại lý, trung tâm thương mại, siêu thị, trong đó có Saigon Co.opmart là bước đầu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Trả lời trên báo Đời sống & Pháp luật, ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Tiêu dùng – Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng nhấn mạnh, về xuất xứ của sản phẩm, rõ ràng phải minh bạch trong chuyện này. Nếu lấy sản phẩm từ Trung Quốc thì doanh nghiệp phải ghi rõ nguồn gốc trên nhãn dán. Nếu làm ở Trung Quốc mà lại ghi là làm tại Việt Nam hay quốc gia khác là không thể được.

Việc ghi nhãn mác phải chính xác đã được Chính phủ quy định rất rõ ràng, doanh nghiệp không thể lừa dối người tiêu dùng được. Nếu đúng vi phạm về nhãn mác, các chuyên gia cho rằng sẽ xử lý theo quy định của 80/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo quy định, nếu chứng minh được vi phạm, nhãn mác không đúng nội dung, BabiCare sẽ phải tạm dừng lưu thông, xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, xét thấy những yếu tố ảnh hưởng tới người tiêu dùng có tác động có hại thì sẽ bị công bố công khai lên phương tiện thông tin đại chúng, cảnh báo người tiêu dùng.

Như vậy, dù sản phẩm khăn ướt Baby Care của công ty Việt Úc vẫn đang trong thời gian chờ cơ quan chức năng làm rõ thông tin thì quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay đang dần được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm hơn. Bởi, nếu sản phẩm không đạt chuẩn như khăn ướt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng về lâu dài. Những động thái tích cực này sẽ từng bước góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mạnh mẽ hơn và là tiếng chuông cảnh báo cho những doanh nghiệp đang có hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm hiện nay.
Theo Chất lượng Việt Nam, một đại diện của Cục quản lý chất lượng sản phẩm Hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết, sắp tới sẽ phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát sản phẩm của Công ty Việt Úc. "Vừa qua đã lấy 1 số mẫu khăn đi thử nghiệm có những kết quả đáng ghi nhận để mở một đợt kiểm tra. Quản lý thị trường cũng đưa người đi nắm thông tin chính xác khu vực nào sản xuất, khu vực nào bày bán nhiều và đâu là kho tàng. Trên cơ sở đó sẽ có kế hoạch để kiểm tra. Việc kiểm tra cơ sở sản xuất thực hiện theo các quy định về kiểm tra sản xuất nếu xảy ra trong các trường hợp: xuất khẩu hàng không đảm bảo chất lượng, vi phạm trong lưu thông hoặc có kiến nghị, cảnh báo của quốc tế, kiến nghị của khách hàng", một đại diện của Cục Quản lý Chất lượngg sản phẩm Hàng hóa cho biết.