Theo thông tin từ một số bệnh viện, hiện nay tình trạng bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh ho gà đang gia tăng. Điều đáng nói, đa số các trường hợp mắc căn bệnh này là do chưa được tiêm phòng vắc xin.

Theo đó, tại khoa Nhi (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) trong vòng khoảng nửa tháng gần đây đã có 8 bệnh nhi dưới 6 tháng tuổi nhập viện do mắc bệnh ho gà. Trong số đó, chỉ có 1 trẻ là đã tiêm đủ các mũi vắc xin có thành phần ho gà, số còn lại chủ yếu là chưa tiêm đủ mũi hoặc chưa tiêm phòng vắc xin.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, tính đến ngày 19/8/2015, tại khoa có 13 bệnh nhi đang điều trị bệnh ho gà, nhiều cháu là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đa số các ca mắc là những bé chưa đến tuổi tiêm phòng, tiêm phòng không đầy đủ hoặc đến tuổi tiêm nhưng vì ốm, sốt nên chưa đi ngừa vắc xin.

Theo BS Lâm, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 281 trường hợp ho gà, trong khi các năm trước trung bình chỉ 120-130 ca. Trước kia, ho gà chỉ tập trung cao điểm vào mùa đông xuân nhưng năm nay rải rác kéo dài, số ca nhập viện đều đều từ 7-9 ca/tuần, rải rác từ khắp các địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng...

Trẻ nhập viện do mắc bệnh ho gà tăng bất thường - 1

Đa số các trưởng hợp trẻ mắc bệnh ho gà đều chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Đánh giá về nguy cơ bùng phát căn bệnh này, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, người dân không nên quá lo lắng. Các trường hợp ho gà ghi nhận hiện nay vẫn là các ca rải rác ở các địa phương, chưa phải là dịch. Đa số các ca bệnh là chưa được tiêm vắc xin hoặc không được tiêm phòng đầy đủ.

Theo PGS Phu, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng ho gà hiện nay ở nước ta đạt trên 90%, tuy nhiên bất cứ ai chưa tiêm đều có khả năng mắc bệnh. Những trẻ đã qua tuổi tiêm mà chưa tiêm vẫn có thể tiêm lại để phòng bệnh.

Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván (DTP) hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem: Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.

Theo Lê Phương / Khám phá