Đặc biệt, theo dự báo, năm 2015, có thể sẽ là năm dịch bùng phát mạnh theo chu kỳ. Đây là thông tin được PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, đưa ra tại cuộc họp báo về dịch bệnh này tổ chức tại Hà Nội ngày 11/9.

Số người mắc và tử vong do SXH đang tập trung ở các tỉnh phía Nam, nơi có tập quán dự trữ nước, có nhiều khu đô thị, công trường xây dựng và khu dân cư đông đúc, nhất là tại Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hoà, Hà Nội…

Lý giải về nguy cơ dịch SXH có khả năng bùng phát trong năm nay, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hàng năm, nước ta vẫn có 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc SHX, cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của dịch này, hơn nữa, chu kỳ dịch lớn thường xuất hiện từ 4 đến 5 năm.
Nhiều trẻ đã phải nhập viện vì bệnh SXH .

Virus truyền bệnh SXH có tới 4 týp và một người khi mắc bệnh với 1 týp thì chỉ có miễn dịch với týp đó mà thôi, vì vậy vẫn có khả năng mắc bệnh khi nhiễm các týp virus khác.

Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, năm 2014 dịch SXH có số mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua, vì vậy năm 2015 được nhận định dịch sẽ có khả năng diễn biến phức tạp.

Tại miền Nam số mắc thường tăng cao vào mùa mưa và miền Bắc từ tháng 4 đến tháng 10 là thời gian có điều kiện thuận lợi về nhiệt độ và có nhiều dụng cụ chứa đọng nước mưa tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển.

Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là, việc phòng chống dịch SXH rất khó khăn, do bệnh lây truyền từ người sang người qua truyền bệnh là muỗi vằn, no hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

PGS.TS Trần Đắc Phu còn SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường, nên nhiều người chủ quan, không tới bệnh viện mà tự điều trị ở nhà, dẫn đến bệnh nặng, nhiều biến chứng xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa… đe dọa tới tính mạng. Thực tế các trường hợp nhập viện đều trong tình trạng bệnh nặng, thậm chí có trường hợp đã có biến chứng nguy hiểm. Trong số 18 trường hợp SXH tử vong có những trường hợp đến cơ sở y tế muộn.

Vì thế, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân khi có các biểu hiện mắc SXH hoặc bị sốt khi đang sống trong vùng lưu hành dịch bệnh cần đến ngay sơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.



Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh SXH:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

6. Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.