Bệnh nhân Giàng Thị Dủ người dân tộc H’mông ở Sáng Pao, Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái. Bị đau bụng thượng vị và nôn mửa liên tục, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Nghĩa Lộ. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm túi mật cấp do sỏi, chỉ định phẫu thuật lấy sỏi ống mật chủ, dẫn lưu Kehr.

Khi phẫu thuật bệnh nhân, các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên khi không thấy sỏi mà thay vào đó là 40 con giun trong ống mật chủ, dịch mật có mủ. Gắp hết giun ra ngoài, ê kíp mổ đặt một dẫn lưu ống mật chủ, một dẫn lưu dưới gan cho bệnh nhân và chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 10/9.
giunchuiongmat1-9561-1442460904.jpg

Bệnh nhân Giàng Thị Dủ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Phạm Thế Thạch, khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng áp xe gan sau mổ tắc mật, nhiễm trùng nặng đường mật do giun. Cô đang có thai 6 tuần tuổi. Đây là một ca bệnh nặng, phức tạp và tương đối hiếm gặp.

Các bác sĩ đã hội chẩn toàn bệnh viện với các chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa, ngoại khoa, tiêu hóa… Phim chụp cộng hưởng cho thấy bệnh nhân có áp xe gan, áp xe dưới hoành, nghi còn xác giun trong đường mật. Cô gái được tiếp tục trải qua ca phẫu thuật nữa để bơm rửa đường mật, lấy hết xác giun, dẫn lưu gan và mật.

Giun chui ống mật là bệnh hay gặp trước đây do tỷ lệ nhiễm giun trong dân chúng rất cao. Ngày nay bệnh này ít gặp hơn vì người dân ý thức tẩy giun định kỳ và ăn uống hợp vệ sinh. Để phòng bệnh, cần tập thói quen tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần; không ăn uống thức ăn chưa nấu chín, ôi thiu; rửa kỹ thực phẩm dưới vòi nước sạch; giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện...