Theo dự thảo, với BV hạng đặc biệt và hạng I, chi phí tiền lương là 140.000 đồng/giường bệnh, trong đó cơ cấu lương bác sĩ 33.000 đồng; điều dưỡng, y tá 86.000 đồng và các chi phí quản lý, gián tiếp 20.000 đồng.

Mức giá khám bệnh sau khi đã được kết cấu chi phí trực tiếp và tiền lương: BV hạng đặc biệt và hạng I là 40.000 đồng/lượt, hạng II: 39.000 đồng, hạng III: 34.000 đồng và hạng IV: 31.000 đồng. Hiện nay, mức thu tối đa tiền khám bệnh của các hạng BV này lần lượt là 20.000, 15.000, 10.000 và 7.000 đồng.

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Y tế: Tiền phụ cấp cho một tca kỹ thuật cao nếu người bệnh phải đồng chi trả 20% thì tiền tăng cũng không được vượt quá 1,5 triệu đồng/ca.

Nhiều ý kiến cho rằng viện phí tăng sẽ ảnh hưởng tới 30% dân số không tham gia bảo hiểm y tế, tương đương với 27 triệu người, chủ yếu là những người lao động có thu nhập thấp chủ yếu là nông dân , lao động tự do, và người cận nghèo.

Theo quan điểm của Bộ Y tế, việc điều chỉnh viện phí sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, đặc biệt là người bệnh có mua BHYT. Trước đây, do giá dịch vụ y tế thấp, chưa quy định rõ nên nhiều trường hợp người bệnh phải tự mua hoặc thanh toán một số loại vật tư để thực hiện dịch vụ.

Thay vào đó những người không tham gia bảo hiểm y tế sẽ chịu những thiệt thòi lớn nếu chẳng may phải sử dụng đến các dịch vụ y tế, theo đó việc tăng viện phí sẽ thúc đẩy quá trình bảo hiểm y tế toàn dân. Do đó, để có thể giảm được gánh nặng viện phí mỗi khi đau ốm, không cách nào khác những đối tượng này sẽ phải tham gia BHYT.

Tuy nhiên thực tế, với đối tượng người cận nghèo dù đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tới 70% chi phí mua thẻ BHYT mỗi năm, còn lại người cận nghèo chỉ phải đóng khoảng 200.000 đồng/năm để có BHYT nhưng đây lại là bài toán nan giải vì số tiền này với nhiều hộ cận nghèo lại không hề nhỏ.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Y tế cho rằng : “Về cơ bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn. Năm 2015 Luật BHYT đã có nhiều thay đổi. Về cơ bản không làm ảnh hưởng đến 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc, người sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công cách mạng, 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi... Các đối tượng này khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí thay vì thanh toán 95%, đồng chi trả 5% như trước đây. Người cận nghèo cũng được giảm đồng chi trả từ 20% trước năm 2015 xuống còn 5% từ 2015. Giá dịch vụ y tế điều chỉnh sẽ tác động mạnh đến khoảng 30% dân số chưa có thẻ BHYT”.