Những kẻ thủ ác dùng axit để trả thù chuyện tình cảm, thù hằn… Để rồi những nạn nhân của hành vi tàn độc này phải gánh chịu nỗi đau thể xác và tinh thần đến cuối đời.

Dở sống dở chết, tận cùng nỗi đau

Một nạn nhân từng bị 44% thương tật do axit - chị Mai, một cô gái vốn có gương mặt đẹp như hoa hậu đã từng phải nói trước tòa: “Chẳng thà Dũng giết chết tôi luôn đi thì tôi không phải chịu đau đớn như thế này”.

Luật sư Hà Hải nhận định nạn nhân của các vụ tạt axit đều trải qua những ám ảnh khủng khiếp, những tổn thương sâu sắc trong suốt cuộc đời.

“Sau khi bị tạt axit, nhiều người lâm vào cảnh dở sống dở chết trong suốt phần đời còn lại. Những di chứng, đau đớn về thể xác và những nỗi đau về tinh thần hành hạ họ có khi 30-40 năm. Sống còn khổ hơn chết” - Luật sư Hải nói.

“Mỗi một lần phẫu thuật là một lần đau đớn vô cùng, nếu không phải vì cha mẹ và những người thân thì tôi thà chết đi chứ không thể nào sống với những tổn thương như thế.

Dũng tạt axit dù không giết chết được tôi về thể xác nhưng đã giết toàn bộ cuộc sống của tôi”, lời của nạn nhân một vụ tạt axit.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân đã dùng hai chữ “khủng khiếp” để mô tả về nỗi đau tinh thần, những sang chấn tâm lý của các nạn nhân bị tạt axit.

“Những nạn nhân bị tạt axit có thể rơi vào trạng thái hoảng sợ, bất an, tuyệt vọng. Tổn thương tâm lý khó có thể tránh khỏi là sự mặc cảm và đôi khi ghê sợ chính bản thân mình khi gương mặt, thân thể bị tàn phá.

Từ mặc cảm này, họ cũng co mình lại, không dám gặp gỡ giao tiếp với người thân, bạn bè, xã hội. Cũng có trường hợp còn tìm đến cái chết vì mục đích sống dường như không còn gì nữa”, Thạc sĩ Vân phân tích.

Theo Thạc sĩ Vân, sự tò mò và không khéo léo của người thân, những người xung quanh sẽ càng làm nỗi đau của những nạn nhân bị tạt axit thêm nặng nề.

Bà cho rằng nên có sự đồng hành của bác sĩ tâm lý ngay từ giai đoạn điều trị của các nạn nhân.

Bị cáo ở tù có thời hạn, nỗi đau của nạn nhân vô hạn

Theo luật sư Hà Hải, căn cứ vào tình hình thực tế, nên có những điều chỉnh về quy định pháp luật để những kẻ thủ ác tạt axit vào người khác bị trừng trị nghiêm minh hơn.

“Với những vụ án tạt axit, hung thủ thường bị truy tố với tội danh “cố ý gây thương tích”. Nếu sử dụng những hung khí như dao, súng thì có thể bị quy vào tội “giết người” nhưng axit thì không.

Cho dù có quy định trong những trường hợp đặc biệt nguy hiểm (ý thức chủ quan, vị trí sát thương, nồng độ axit...) thì có thể chuyển khung hình phạt theo hướng tăng nặng nhưng luật vẫn còn quy định chung chung nên rất khó cho các cơ quan chức năng khi xử lý”, vị luật sư nhận định.
Các cô gái là nạn nhân của những vụ tạt axit trong các bộ trang phục do chính một phụ nữ cũng bị tạt axit thiết kế.
Các cô gái là nạn nhân của những vụ tạt axit trong các bộ trang phục do chính một phụ nữ cũng bị tạt axit thiết kế.

Luật sư Hải cho rằng nên có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn từ các nhà làm luật hoặc Tòa án tối cao. Nên giải thích để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm hơn nữa những kẻ dùng axit để trả thù, để hủy hoại cuộc đời người khác.

“Khi bản án đưa ra tương xứng với hành vi phạm tội của kẻ thủ ác, đủ sức răn đe trong cộng đồng thì sẽ phần nào giảm được những vụ việc tương tự trong tương lai, nhất là khi thực tế cuộc sống cho thấy nhiều kẻ dùng axit vì ghen tuông, vì mâu thuẫn làm ăn trong thời gian gần đây” - luật sư Hà Hải nêu quan điểm.

Luật sư Phước Hiệp bày tỏ suy nghĩ quy định của pháp luật cũng nên có sự thay đổi vì “thiệt hại về tinh thần của người bị hại trong trường hợp này là không đo đếm được”.

“Nghi phạm sẽ bị khép một trong hai tội là Cố ý gây thương tích hoặc Giết người. Nhưng đó không phải là mục tiêu của thủ phạm. Chúng ra tay mà là để tàn phá dung nhan của nạn nhân.

Mục đích của người phạm tội và quy định pháp luật hiện nay lại khác nhau nên không đảm bảo được tính răn đe.

Tội Cố ý gây thương tích phải xét theo mức độ thiệt hại (mà thiệt hại về tinh thần của người bị hại trong trường hợp này đâu có đo đếm được), vì vậy cũng nên có sự thay đổi” - luật sư Hiệp nêu ý kiến.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch chia sẻ rằng mức hình phạt với những bị cáo thì có thời hạn nhưng nỗi đau mà những nạn nhân của chúng phải gánh chịu là suốt đời, là vô hạn.

Ông Trạch nhận định quan trọng nhất là giáo dục ý thức để những hành động dã man này không còn tiếp diễn.

Bên cạnh đó, luật sư Hà Hải cho rằng trong các vụ án thường chỉ xét xử hung thủ mà không truy tố trách nhiệm của những người sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ axit trái phép.

“Cần phải xử lý rốt ráo cả người sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và người sử dụng axit với mục đích xấu thì mới giải quyết được từ gốc đến ngọn của vấn đề. Nếu cần, có thể truy tố những người mua bán, vận chuyển, tàng trữ như một đồng phạm gây án” - luật sư Hà Hải đề nghị.

Ở một góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch đặt vấn đề về việc quản lý hóa chất của các cơ quan hữu quan đối với những đơn vị hành nghề kinh doanh các loại hóa chất này.

“Muốn thực hiện hành vi tạt axit thì phải có axit. Mà axit hiện nay lại được mua quá dễ dàng” - ông Trạch nói.

Rất khó lấy lại hình dạng ban đầu

Bỏng do axit thường gây tổn thương sâu và ở những vùng thẩm mỹ, vùng lộ ra ngoài như mặt. Đặc điểm chung của bỏng axit là những vết sẹo để lại thường xấu.

Việc áp dụng các phẫu thuật ghép da, dùng các vạt da che phủ vùng bị tổn thương cũng chỉ giúp cải thiện phần nào. Khả năng lấy lại hình dạng ban đầu của da là rất khó, gần như là không thể đối với người đã bị bỏng sâu do axit.

Ngoài vấn đề thẩm mỹ, nạn nhân bị tạt axit ở vùng mặt còn có thể bị tổn thương các cơ quan chức năng như mắt, mũi, tai, miệng, khớp… làm hạn chế khả năng sinh hoạt và lao động của nạn nhân.

Những tổn thương về hình dạng bên ngoài sẽ khiến những người bị bỏng axit mặc cảm và rất khó lấy lại tâm lý cân bằng trong cuộc sống.

TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, trưởng khoa bỏng - tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương.