Theo đó, 8 doanh nghiệp sữa đã làm đơn kiến nghị khẩn cấp với Chính phủ và Bộ tài chính phản đối việc áp dụng mã số thuế không căn cứ bao gồm: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Đại Tân Việt, Công ty FrieslandCampina Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood), Công ty cổ phần Hóa chất Á Châu, Công ty CP Thế Hệ Mới, Công ty CP Sữa Hà Nội, Công ty CP TM và Công nghệ Thực phẩm Hoàng Lâm.

Trong đơn kiến của các doanh nghiệp sữa khẳng định, Anhydrous milk fat là dầu bơ khan hay gọi cách khác là chất béo khan từ sữa do tập đoàn Fontera của Newzeland sản xuất, đóng gói 210kg/thùng. Theo tài liệu Quy chuẩn Codex (CODEX STAN 280-1973) của Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà Việt Nam là thành viên cấp Chính phủ, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam (QCVN 5-4:2010/BTY), Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN 8434:2010) thì tên gọi Anhydrous MilkFat hay Anhydrous Butterfat là như nhau.
Doanh nghiệp sữa có thể bị truy thu thuế đến 700 tỷ đồng

Từ năm 2000, các doanh nghiệp trên khi nhập khẩu mặt hàng này đều khai báo và gửi mẫu đi phân tích phân loại tại các Trung tâm phân tích trong ngành Hải quan, các cơ quan chuyên môn ngoài ngành hải quan để xác định chính xác về bản chất, thành phần cấu tạo,… Tất cả câc kết quả giám định, phân tích chứng nhận đều được cơ quan Hải quan làm căn cứ xác định mặt hàng Anhydrous MilkFat có mã số đúng là 0405.90.10, mức thuế xuất nhập khẩu là 5%.

Đến ngày 20/04/2015 thì cơ quan Hải quan lại tiếp tục lấy mẫu để phân tích tiếp 1 lô hàng giống hệt nhập khẩu tại tờ khai số 10036328854/A11 ngày 13/4/2015 mở tại Hải Phòng của Công ty cổ phần Đại Tân Việt, kết quả phân tích một lần nữa vẫn xác định mã số phân loại là 0405.90.10.

Tuy nhiên, gần đây Tổng cục hải quan lại chỉ đạo các cục Hải quan địa phương sử dụng mã số thuế 040590.90 cho mặt hàng Anhydrous Milkfat thay vì sử dụng mã số đúng là 0405.90.10 như trước đây (thuế xuất nhập khẩu thay đổi là 15%) và yêu cầu truy thu thuế (nhập khẩu và VAT) các doanh nghiệp ngược trở lại từ năm 2010.

Theo các doanh nghiệp sữa, việc thay đổi biểu thuế này là không nhất quán và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp trong việc sản xuất kinh doanh của họ. Thậm chí, nếu áp dụng theo sự thay đổi mã số thuế này thì số thuế mà doanh nghiệp sữa bị truy thu từ năm 2010 có thể lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, trả lời trên báo VnExpress sáng 2/12, một lãnh đạo cấp Vụ của Tổng cục Hải quan cho biết, về mặt nguyên tắc, một số doanh nghiệp sữa nhập khẩu hai mặt hàng khác nhau nhưng lại chỉ kê khai một. Bộ Công Thương và kinh nghiệm quốc tế của Thái Lan cũng xác định đây là hai mặt hàng khác nhau. Ông khẳng định không có chuyện cùng một mặt hàng có hai biểu thuế khác nhau với thuế suất nhập khẩu là 5% và 15%.

Trả lời về sự bất nhất trong hướng dẫn kê khai mã số thuế với mặt hàng này, lãnh đạo Hải quan cho biết có thể nhiều mặt hàng phức tạp mà cán bộ hải quan không thể kiểm tra hết. Tất cả các vấn đề nếu phát hiện được thì cần gì kiểm tra sau thông quan. Sau sự việc này, lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sẽ làm việc và đưa ra kết luận cuối cùng.

Ông cũng khẳng định, Tổng cục Hải quan không khẳng định doanh nghiệp nào khai sai nhưng từ dấu hiệu đó để chỉ đạo các địa phương kiểm tra sau thông quan. Nếu xác định đó là chất béo của sữa chứ không phải dầu bơ khan, các doanh nghiệp sẽ bị truy thu với thuế suất 15%. Còn về con số con số ước tính truy thu 1.000 tỷ đồng mà các doanh nghiệp kiến nghị trong đơn, lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định là không chính thức. Và theo cơ quan hải quan ước tính, nhiều nhất có thể chỉ là 700 tỷ đồng và có thể còn ít hơn nếu sau kiểm tra xác định các doanh nghiệp không kê sai.

Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế đã từng nhiều lần tiến hành truy thu với doanh nghiệp vì những sự thay đổi liên tục trong văn bản hướng dẫn chỉ đạo điều hành./.