Mới đây, trong một báo cáo từ Hệ thống cảnh báo (RAPEX) của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra danh mục những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc chứa những chất gây hại cho sức khỏe người dùng.

Đồ chơi trôi nổi vẫn len lỏi trên thị trường

Trong danh mục này có nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em đang bày bán trên thị thường nhiều nước trong đó có Việt Nam như: miếng dán hoạt hình, đất sét nặn, búp bê nhựa, phao bơi trẻ em. Theo cảnh báo từ RAPEX, kết quả kiểm định cho thấy, một số mẫu sản phẩm trên chứa nhiều hoạt chất gây hại cho sức khỏe trẻ em, đặc biệt tổn hại đến hệ thống sinh sản của đối tượng này. Những hoạt chất tìm thấy trong các sản phẩm này như: DEHP, DINP, Boron, Di đều có hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Cần khẩn trương kiểm tra toàn bộ các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc trên thị trường Việt Nam

Theo Bác sỹ Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận Máu, Nội tiết (Bệnh viện Nhi đồng 2), hai hoạt chất DEHP, DINP đều là tác nhân gây dậy thì sớm ở trẻ em nữ và giảm bài tiết hoóc môn tăng trưởng, gây vô sinh với trẻ em nam. “Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua tiếp xúc ngoài da hoặc qua đường miệng. Ngoài ra, các chất này cũng có thể là gây ung thư cho trẻ em”, Bác sỹ Thúy nhấn mạnh.

Ngay sau khi thông tin về những sản phẩm đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất bị thu hồi tại thị trường EU vì phát hiện chứa hoạt chất gây hại, trên nhiều diễn đàn, các phụ huynh đã lên tiếng “kể tội” loại đồ chơi độc hại này. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo Giao thông, tại nhiều cửa hàng bán đồ chơi trẻ em gần các trường học trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng bày bán các sản phẩm đồ chơi trẻ em có nguồn gốc Trung Quốc vẫn diễn ra khá phổ biến.

Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), khi chúng tôi hỏi mua miếng dán đồ chơi, chị chủ quán nhanh nhẹn lấy ra một túi nilon lớn, bên trong đựng đầy các túi nhỏ chứa các miếng dán hoạt hình đủ các thể loại ra mời chào. Chúng tôi gặng hỏi các miếng dán này có chứa chất gây hại như tivi vừa nói trong thời gian qua không thì chị này lập tức không bán hàng nữa và cất túi đồ vào trong.

Tương tự, tại một số cửa hàng bán đồ chơi trẻ em gần cổng trường tiểu học, mầm non trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa… đều không khó để tìm mua những mẫu đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất. Điểm chung của những sản phẩm này là màu sắc sặc sỡ, chủng loại đa dạng nhưng trên mẫu mã các sản phẩm này không thể hiện thông tin về nguồn gốc, xuất xứ.

Siết chặt nhập khẩu đồ chơi trung quốc

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Đại học KHTN - ĐHQGHN) cho biết, những thông tin liên quan đến nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất bị phát hiện chứa chất nguy hại và bị thu hồi tại một số nước ở châu Âu trong thời gian gần đây khiến ông thật sự lo lắng. “Theo tôi, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải lấy mẫu kiểm định tất cả những mẫu đồ chơi trẻ em đang có mặt trên thị trường. Trong thời gian chờ kết quả, cần hạn chế và siết chặt việc nhập khẩu các mẫu đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất. Tất cả các mẫu phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn và được gắn dấu hợp quy theo đúng quy định”, PGS. TS. Côn nói.

Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm điện và Dung dịch hóa Điện hóa) cho rằng, việc những đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc nguy hại tồn tại trên thị trường là câu chuyện không phải bây giờ mới có. Theo Tiến sỹ Khải, trong những năm trước, hầu như năm nào cũng xảy ra tai nạn liên quan đến đồ chơi Trung Quốc mà nạn nhân là trẻ em. Đơn cử như năm 2014, một bé trai ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) bị thương ở tay và vùng ngực vì một đồ chơi hình quả lựu đạn phát nổ khi bé đang chơi. Trước đó, đầu năm 2014, 32 học sinh tiểu học ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Lắk cũng phải nhập viện với triệu chứng choáng váng, khó thở. Nguyên nhân do các em cùng chơi một đồ chơi hình quả lựu đạn do Trung Quốc sản xuất và trong lúc đang chơi thì quả lựu đạn phát nổ.

“Tất cả những đồ chơi Trung Quốc trôi nổi trên thị trường hiện nay đều là hàng nhập lậu. Bởi nếu được nhập khẩu đúng quy định, chúng phải qua các công đoạn kiểm tra, kiểm định rất nghiêm ngặt. Theo tôi, bên cạnh việc khẩn trương kiểm định những mẫu đồ chơi đang có mặt trên thị trường cũng cần nhanh chóng kiểm tra, thu hồi những mẫu sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trách nhiệm này thuộc về lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác. Để đồ chơi trôi nổi trên thị trường thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về họ”, Tiến sỹ Khải nói.