Xung quanh thông tin xuất hiện loại cám trộn đá ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, chiều ngày 2/12, trao đổi với báo Đất Việt, ông Hà Đăng Huy - giám đốc kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm của Công ty TNHH Woosung Vina cho biết: "Đây là loại bột đá để bổ sung canxi cho vịt đẻ. Tuy nhiên, hiện tại công ty cũng đang chờ kết luận giám định mẫu cám do Sở NN&PTNT tỉnh làm".

Nói về bột đá bổ sung canxi cho vịt, PGS.TS Vũ Đình Tôn - Trưởng khoa chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp phân tích: Bột đá đúng như người ta nói là bổ sung canxi nhưng chỉ ở 1 lượng vừa phải để cho đủ hàm lượng canxi. Tuy nhiên, khi đãi mà nhìn thấy bột đá thì đó là ở mức độ quá lớn, bình thường bột đá trộn lẫn thức ăn cho gia súc, gia cầm chỉ được tính bằng vài phần trăm. Nếu có nhiều bột đá trong cám thì loại cám này có vấn đề.

Ông An đang chờ các ngành liên quan lấy mẫu các bao cám để kiểm tra.

PGS.TS Vũ Đình Tôn cho biết thêm: "Về vấn đề vịt chết do ăn phải loại cám có chứa đá theo như báo chí phản ánh thì theo tôi chưa hẳn, mà ở đây có thể là một yếu tố khác. Các cơ quan chức năng thử kiểm tra xem có độc tố nấm mốc không vì vịt rất nhạy cảm với những thức ăn quá hạn sử dụng.

Mặc dù vậy, muốn biết chính xác thì cần có kết luận của cơ quan chức năng đem phân tích mẫu cám đó, nhưng để công bằng nhất thì nên mổ cả con vịt ra khám xem các cơ quan của nó có vấn đề gì không".

Cũng theo ông Tôn, cả vịt và gà đôi khi người chăn nuôi phải cho ăn thêm sỏi nhưng sỏi này là để nó tự ăn khi có nhu cầu chứ không trộn lẫn vào thức ăn. Việc vịt, gà ăn sỏi sẽ làm cho quá trình tiêu hóa tốt hơn, nghiền thức ăn tốt hơn. Thậm chí, nhiều hộ chăn nuôi còn làm cả các máng sỏi để cho gà, vịt ăn.

Như thông tin báo chí đã đưa, ông Nguyễn Văn An (44 tuổi), cư ngụ tại khu phố 2, thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh đang “khóc dở” vì nguy cơ đàn vịt 2.000 con bị lỗ nặng mà nguyên nhân đang nghi vấn vì cho ăn cám thực phẩm “có vấn đề”…

Ông An kể: Vào ngày 6/9/2015, gia đình tôi đầu tư mua đàn vịt 2.000 con để nuôi thịt, tháng đầu tôi cho vịt ăn cám Woosung D6102, vịt phát triển bình thường. Tháng thứ 2, gia đình tôi đổi sang cám Woosung D6442, tôi mua của đại lý chuyên bán cám cho mình từ nhiều năm nay, số lượng đợt cám này là 100 bao loại 25kg/bao.
Đàn vịt 2.000 con của ông An có nguy cơ còn chết tiếp.

Tuy nhiên, sau khi cho ăn được 60 bao thì tôi thấy vịt không phát triển, còi cọc, chết dần và đến nay đã chết 300 con. Nghi ngờ cám có vấn đề, tôi đổ cám ra kiểm tra thì thấy hiện tượng khá bất ngờ: Tỷ lệ đá trong cám nhiều bất thường. Loại đá trộn trong cám khác với các loại cám khác trộn đá vôi, đá trong cám này là loại đá trắng, sắc nhọn không phải đá vôi.

Mổ vịt chết thấy đá cắt mề, găm vào ruột vịt, trong mề chứa đầy đá trắng. Tôi liên hệ với đại lý và sau 1 ngày có 4 người đến gia đình tôi (trong đó có 2 người trước đây ra nhà tôi tiếp thị loại cám Woosung, họ giới thiệu là nhân viên công ty).

Sau khi nghe tôi trình bày thì họ bảo hỗ trợ cho gia đình tôi 30.000 đồng/1 bao cám (tổng tiền hỗ trợ là 3.000.000 đồng), tôi không đồng ý. Ngày sau, họ điện cho tôi nâng mức tiền hỗ trợ lên 7.000.000 đồng rồi sau đó nâng lên 10.000.000 đồng với điều kiện không kiện họ.

Được biết, tại nhà ông An, 40 bao cám D6442 ( do Công ty TNHH Woosung Vina sản xuất, trụ sở đóng tại KCN Bàu Xéo, Trảng Bom, Đồng Nai) vẫn còn nằm ở góc nhà. Số cám này ông không dám cho vịt ăn tiếp mà đang chờ các cơ quan chức năng về lấy mẫu để phân tích, kiểm định có đúng với chất lượng ghi trên bao bì hay không.

Được biết, trong 2 ngày 24 và 25/11/2015, Đoàn liên ngành của tỉnh bao gồm các thành viên công an, quản lý thị trường, thanh tra Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã về lấy mẫu cám ở nhà ông An và ở các đại lý để giám định nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.