Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội và thông tin đại chúng xuất hiện thông tin về một loại "cần sa y tế" có thể chữa được nhiều loại bệnh trong đó có bệnh ung thư. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều trang mạng đã lợi dụng thông tin này để công khai rao bán loại "thần dược" được xếp vào một trong số những chất cấm này.

Tiêu biểu, một trang mạng xã hội đã giới thiệu, "cần sa y tế" có thể chữa từ ung thư, nghiện rượu, đến vảy nến… Thậm chí, phụ nữ mang thai dùng "cần sa y tế" thì con sinh ra sẽ bớt cáu kỉnh.

Bên cạnh đó, trang mạng xã hội nói trên còn tràn ngập những câu hỏi và lời khuyên về cách dùng cần sa chữa bệnh. Và dĩ nhiên, cung cấp cả địa chỉ để mua cần sa. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc nói cần sa chữa ung thư, tốt cho bà mẹ mang thai là không có cơ sở khoa học đầy đủ.
Mắc thêm bệnh vì dùng cần sa chữa ung thư
PGS Trần Văn Thuấn cho rằng, ung thư cần được phát hiện sớm và chữa theo đúng khoa học.

Trao đổi với phóng viên về thực hư công dụng của cần sa trong hỗ trợ và điều trị bệnh ung thư, PGS.TS Trần Văn Thuấn – Viện trường Viện nghiên cứu ung thư Quốc gia, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, việc dùng cần sa để chữa bệnh ung thư hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chính thức về vấn đề này. Không những thế, việc dùng cần sa chữa bệnh không có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa còn để lại những hậu quả khó lường.

"Nếu dùng nhiều có thể gây nghiện hoặc một số biến chứng khác như buồn nôn, hoặc gặp một số biến chứng về tiêu hóa, tim mạch… Nguy hiểm hơn, nếu không được kiểm soát chắc chắn thì sẽ gây ra hệ lụy đối với xã hội đó là gia tăng số người nghiện", PGS Thuấn cảnh báo.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, dùng với liều lượng và thời gian bao nhiêu thì có thể gây nghiện? PGS Thuấn cho biết: "Việc dùng với liều lượng bao nhiêu và thời gian bao lâu khiến con người có thể trở thành nghiện thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa của người bệnh.

Còn theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nếu các chất có thể gây nghiện dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ, một liệu trình nếu quá 7 ngày thì nguy cơ gây nghiện là rất cao".

Đồng thời ông Thuấn cũng cảnh báo, hiện nay không chỉ riêng cần sa mà ngay cả những loại thuốc giảm đau hay thuốc điều trị ung thư khác, nếu người bệnh sử dụng mà không tuân thủ theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ thì sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm.

"Các trường hợp dùng thuốc nói chung, đặc biệt là thuốc có khả năng gây nghiện thì tuyệt đối phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa", PGS Thuấn nói.
Mắc thêm bệnh vì dùng cần sa chữa ung thư
Dùng cần sa có thể mắc bệnh tâm thần.

Cuối cùng PGS Thuấn khẳng định: "Nhân đây, tôi cũng có khuyến cáo cho người dân nói chung và người bệnh nói riêng, nếu đã bị ung thư thì cần phải điều trị theo những biện pháp chính thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, ... Việc sử dụng kết hợp nhiều phương pháp phụ thuộc vào từng người bệnh và cơ địa người bệnh. Người dân tuyệt đối không được nghe theo những tin đồn mà bỏ mất cơ hội chữa khỏi bệnh của mình".

Cũng liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nộ)i cho biết, ở một số nước không cấm cần sa nên ông gặp nhiều bệnh nhân đến trung tâm cai nghiện để điều trị cắt cơn nghiện cần sa sau một thời gian dài sinh sống ở nước ngoài.

Theo BS Hùng, nhiều thanh niên đến bệnh viện khám trong tình trạng tri giác lơ mơ, xanh xao, gầy guộc… Mỗi bệnh nhân một hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết họ đều khốn khổ vì sa chân vào cần sa.