Ông H. (59 tuổi, ở thị trấn Phước Long) tử vong do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, chứ không phải chết do ngộ độc tiết canh dơi.

Trước đó, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Phước Long, gia đình ông H. gọi xe cứu thương đến đón ông tại nhà lúc hơn 7g ngày 11-12. Khi tiếp nhận, ông H. bị sốc sâu không hồi phục, toàn thân tím. Bộ phận trực xử lý chống sốc, vận mạch và cho thở máy; đồng thời gọi hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Bệnh viện tuyến trên đã cử êkip cấp cứu xuống hỗ trợ và chở ông H. về Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, nhưng ông H. đã tử vong lúc hơn 11g cùng ngày.

Theo gia đình ông H., buổi trưa trước đó ông H. bị nhức đầu và đau bụng đi tiêu nhiều, có uống thuốc tại nhà. Chiều hôm đó ông đi ăn đám ở nhà hàng xóm, trong bữa tiệc có món thịt dơi và tiết dơi pha uống. Về nhà buổi tối hôm đó ông H. bị đau bụng dữ dội kèm nôn ói nhưng không đến bệnh viện, đến sáng 11-12 gia đình phát hiện mới gọi cấp cứu.

Bác sĩ Sữa nói ngay khi tiếp nhận bệnh viện đã xử lý cấp cứu nhanh chóng, nhưng ông H. đã bị sốc sâu không hồi phục do đến bệnh viện muộn. Còn ông H. có ăn tiết canh dơi trước đó không bệnh viện chưa xác nhận, nhưng khả năng ông H. bị sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm là có (do có nôn ói và đi tiêu ồ ạt).

Chuyện ăn tiết canh, hay pha tiết động vật và gia cầm vào rượu uống khá phổ biến ở nhiều vùng quê. Bác sĩ Dương Thiện Phước - trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cảnh báo: việc ăn uống tiết (máu) sống hay pha rượu uống cho mát hay tăng cường sinh lực chỉ là lời đồn truyền miệng trong người dân.

Việc này ngoài tác hại làm lây truyền dịch cúm H5N1 (trên chim, dơi, gia cầm) cho người ăn, còn có nguy cơ nhiễm khuẩn và ngộ độc thực phẩm do kém vệ sinh. Việc ăn uống tiết canh dơi, rắn... gần đây diễn ra phổ biến ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... là thực trạng rất đáng ngại.