Theo nhận định của Liên hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục từ 7,1% dân số (năm 1989) tăng lên 10,5% (năm 2013).

Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn 6 năm so với dự báo.

Với tốc độ già hóa dân số nhanh hơn so với các nước khu vực, chỉ số già hoá 43,5%, Việt Nam chỉ mất khoảng 20 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già. Tốc độ này được nhận định là nhanh nhất thế giới.

Khẳng định già hoá dân số là thành tựu đáng tự hào của phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội, tuy nhiên, các đại biểu tại chương trình Đối thoại cũng chỉ ra rằng: Khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Việt Nam.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại chương trình Đối thoại ( Ảnh Báo Gia đình & Xã hội).

PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số, gấp hơn 2 lần hiện nay. Năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số.

Điều này có nghĩa là, năm 2050, cứ 3 người trong độ tuổi lao động, lại có 1 người cao tuổi.

Bên cạnh đó, nhu cầu đào tạo nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi rất lớn, song năng lực của các cơ sở đào tạo hiện nay còn hạn chế. ThS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Tại Việt Nam hiện chỉ mới có 1 bênh viện tuyến cuối chuyên trách chăm sóc, khám chữa bệnh lão khoa, phục hồi chức năng cho người cao tuổi là Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Về thực trạng đào tạo chuyên ngành Lão khoa, ThS Trung Anh cho biết: Tại Đại học Y dược TP HCM, đã có khoa Lão khoa nhưng lại chưa có bệnh viện chuyên về lão khoa trên địa bàn Thành phố. Trong khi đó ở Hà Nội, bộ môn Lão khoa chỉ mới được thành lập năm 2014 tại trường Đại học Y.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi.

Hiện nay, 30% người cao tuổi ở nước ta không có bất kỳ loại bảo hiểm y tế nào. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Quốc hội và Chính phủ đang có chủ trương khuyến khích xã hội hóa chăm sóc sức khỏe y tế. Khuôn khổ pháp lý và văn bản hướng dẫn đã có, đã quan tâm đến người cao tuổi, nhưng thực tế triển khai có những điểm còn hạn chế, như những mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng chưa nhiều.

Do đó, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, trong đề án tăng cường y tế cơ sở, Bộ Y tế đã đưa nội dung này vào, trong đó sẽ tích hợp mô hình bác sỹ gia đình để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cộng đồng và khuyến khích các mô hình khác nhau.

Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chăm sóc ban đầu, tăng cường các hướng tiếp cận chăm sóc thân thiện chuyển hướng từ dự phòng các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch; đặc biệt tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng chống bệnh ung thư.

Đắk Lắk: Tổ chức Hội thi Tuyên truyên viên dân số giỏi hưởng ứng tháng quốc gia hành động về dân số


Ngày 10/12, UBND huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) tổ chức Hội thi Tuyên truyền viên giỏi về Dân số-KHHGĐ lần thứ 2 giai đoạn 2011-2015.

Tham gia Hội thi có 85 thí sinh là Cán bộ chuyên trách và Cộng tác viên dân số (thuộc 17 đội thi) đến từ 17 xã, thị trấn trong toàn huyện.

Nội dung thi bao gồm 3 phần: Chào hỏi (chúng tôi là tuyên truyền viên dân số); Kiến thức (những hiểu biết về công tác Dân số-KHHGĐ); Năng khiếu (tài năng của tuyên truyền viên dân số).

Sau một ngày diễn ra sôi nổi và hào hứng, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho thị trấn Quảng Phú; 2 giải Nhì thuộc về đội thi của xã Ea Kpam, xã Cư Mgar; 3 giải Ba thuộc về xã Ea Drơng, Ea Kiết, Cuôr Đăng và 11 giải khuyến khích.

Được biết trong giai đoạn 2011-2015, huyện Cư Mgar là địa phương duy nhất ở tỉnh Đắk Lắk 2 lần tổ chức Hội thi tuyên truyền viên dân số giỏi (lần đầu vào tháng 6 năm 2012). Qua đó, nhằm tuyên truyền đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác Dân số-KHHGĐ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, là nơi giao lưu học hỏi giữa các tuyên truyền viên dân số để làm tốt công tác truyền thông về dân số tại cơ sở, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015.
Khẩu hiệu rất ý nghĩa "Đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ là đầu tư cho sự phát triển" được đưa ra tại Hội thi. Ảnh: Võ Thảo Báo Gia đình & Xã hội.

Việt Nam: Tuổi càng cao, số phụ nữ đơn thân càng nhiều

Hiện nay, tại Việt Nam, ở độ tuổi 80 trở lên, cứ 200 cụ bà mới có 100 cụ ông. Còn ở tuổi từ 70-79, tỷ lệ này là 149 cụ bà/100 cụ ông, ở tuổi 60-69 là 131/100. Đây là một trong những thay đổi “giật mình” của thực trạng già hóa dân số nước ta: Tuổi càng cao, số phụ nữ đơn thân càng nhiều.

Số liệu từ 4 cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở giai đoạn 1979-2009 cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm tuổi thấp nhất từ 60-69 tăng chậm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm cao tuổi trung bình 70-79 và già nhất từ 80 trở lên có xu hướng tăng nhanh hơn.

Số người cao tuổi tăng lên, trong đó những người sống đơn thân cũng nhiều lên do xu hướng gia đình hạt nhân (chỉ có bố mẹ và con cái) đang ngày càng phát triển. Số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 1993-2008 chỉ rõ xu hướng thay đổi này: Tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái giảm xuống từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 62% vào năm 2008; tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn và tỷ lệ hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng người cao tuổi có tăng lên; tỷ lệ hộ gia đình “khuyết thế hệ” dù chưa cao nhưng cũng đã tăng hơn hai lần.

Theo số liệu của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống góa vợ (chồng), số lượng cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ. Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần. Đặc biệt, tỷ lệ người già sống cô đơn hoặc hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng già tăng đột biến. Chỉ trong 15 năm (1993-2008), tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi (từ 12% lên 30%).
Ảnh minh hoạ.

Một điểm rất đáng lưu ý là nếu tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ em do số trẻ trai cao hơn số trẻ gái, thì tình trạng này ở người cao tuổi lại ngược lại- số phụ nữ đang lớn hơn nhiều so với nam giới.

Thực tế đòi hỏi chính sách chăm sóc người cao tuổi phải chú trọng tới hiện tượng này bởi vì với xu hướng bệnh tật kép và phần lớn người cao tuổi không có lương và trợ cấp như hiện nay, phụ nữ cao tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, nhiều người vẫn nghĩ, Việt Nam đang có cơ cấu “dân số vàng” nhưng lại đang đối diện với tình trạng già hóa dân số, thậm chí siêu già. Hiện số người từ 15 tuổi đến 64 tuổi ở Việt Nam chiếm 69,7%. Đây được xem là dân số vàng, nhưng tình trạng già hóa đang gia tăng một cách chóng mặt.

Nửa thế kỷ qua, trong khi tuổi thọ của thế giới chỉ tăng 21 tuổi thì Việt Nam tăng đến 33 tuổi. Hiện tuổi thọ của người Việt Nam lên đến 73 tuổi. Dự kiến, đến năm 2050, tuổi thọ của người Việt Nam sẽ lên đến trên 80,4 tuổi.