Về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi và có thông tin từ ông Đinh Minh Tuấn thuộc Phòng tiêm Vabiotech care - đơn vị nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh vắc xin, sinh phẩm dùng cho người ở Việt Nam.

Ông Tuấn cho hay, quy trình nhập thuốc từ các hãng thông qua một nhà phân phối độc quyền của hãng tại Việt Nam dưới sự giám sát của Bộ Y tế. Tình trạng khan hiếm vắc xin trong năm vừa qua do 2 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, nhu cầu đột biến với vắc xin 5 trong 1 tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nôi và TP HCM. Cụ thể là tâm lý bất an về những biến chứng sau tiêm Quivaxem nên người dân đổ xô đi tiêm mũi dịch vụ này, dẫn đến tình trạng khan đột ngột lượng thuốc đặt định kỳ hàng năm.

Thứ hai, do nhà sản xuất thuốc nâng cấp quy mô sản xuất. Việc nâng cấp này làm gián đoạn thời gian sản xuất cũng như giao hàng tới các đại lý. Thông thường việc nâng cấp và quay trở lại sản xuất mất ít nhất từ 1-2 năm dẫn đến nguồn hàng dự trữ bị thiếu hụt.

Ngoài ra còn một nguyên nhân khác là nhu cầu chung của thế giới về vắc xin cũng tăng ở một số thành phần đơn lẻ trong vắc xin 6 trong 1 và 5 trong 1 đối với các nhà sản xuất dẫn đến bị thiếu thành phần để tạo nên vắc xin phối hợp. Trong khi đó, thời gian để sản xuất vắc xin đơn lẻ lại mất từ 18-24 tháng.

Tại sao không đặt thêm từ hãng?

Ông Tuấn chia sẻ, các hãng làm việc theo kế hoạch đặt trước cho sản xuất vắc xin từ trước đến cách đây một năm thì Việt Nam cũng chỉ là thị trường rất nhỏ của các hãng thuốc vì nhu cầu tiêm trên dịch vụ không lớn.

"Cách đây hơn một năm, Vabiotech dự kiến sẽ được cung cấp khoảng 1.500 liều vắc xin 5 trong 1 trong tháng 1/2015. Chúng tôi đã cho đăng ký đặt trước vắc xin để phục vụ tốt hơn trong khâu thời gian. Tuy nhiên khi lượng vắc xin thực tế về là 200 liều, sử dụng tiêm cho những người đăng ký đầu tiên dẫn đến tình trạng tồn một lượng lớn khách hàng đã đăng ký nhưng chưa được tiêm.

Giải pháp đưa ra là thông báo xin lỗi đến khách hàng đồng thời triển khai hoàn tiền lại những liều đã được đặt trước. Song có nhiều trường hợp các phụ huynh vẫn yêu cầu tiếp tục chờ vắc xin nên được chuyển vào danh mục ưu tiên tiếp theo. Trong đợt này, lượng vắc xin về sẽ được ưu tiên để tiêm tiếp cho những khách hàng còn đơn đặt hàng từ trước theo số thứ tự", ông Tuấn cho hay.


Tại sao phải chen lấn tiêm vắc xin Pentaxim?
Cảnh hỗn loạn chờ tiêm vắc xin Pentaxim tại 182 Lương Thế Vinh sáng 25/12. Ảnh: Hà Quyên.

Theo Tuổi trẻ, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho hay đến ngày 24/12, đã có 137.000 liều vắc xin Pentaxim cập cảng Việt Nam. Ngày 30/12 này sẽ có 34.000 liều nữa. Nhà sản xuất vắc xin Pentaxim cũng cam kết đến tháng 2/2016 có thêm 40.000 liều được cung cấp cho Việt Nam.

Danh sách từng cơ sở tiêm chủng được nhận vắc xin Pentaxim đợt này được chuyển về cho trung tâm y tế dự phòng giám sát, nếu có chênh lệch giữa sổ tiêm chủng về số văcxin nhập vào/xuất ra là phát hiện được sự thất thoát, khi đó thanh tra y tế sẽ tìm kiếm dấu hiệu găm trữ hàng nhằm đẩy giá, trục lợi.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên việc giám sát được thực hiện nghiêm ngặt, còn các chuyến vắc xin nhập khẩu về trước đây chỉ báo cáo, không đối chiếu hàng nhập và hàng tiêm có khớp không.

Lô vắc xin Pentaxim lần này về Việt Nam đều có hạn dùng đến tháng 7/2017, tức là vắc xin đã sản xuất được hơn một năm.

Pentaxim 5 trong 1 là vắc xin phối hợp phòng ngừa 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra. Vắc xin này sản xuất tại Pháp và Canada bởi công ty Sanofi Pasteur, thuộc tập đoàn Sanofi-Aventis, Pháp.