Mùa đông, bất kể là trẻ nhỏ, người trưởng thành hay người già, nguy cơ cơ mắc bệnh là rất cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đối tượng mắc bệnh và dễ gặp phải biến chứng nhất đó chính là trẻ nhỏ. Trong đó, các căn bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi… liên quan đến thời tiết lạnh là cao nhất.





Thậm chí, nhiều trường hợp do quá lo lắng cho con nên khi trẻ mới chớm sốt hoặc ho đã vội đưa con vào viện, khiến tình trạng nhiễm chéo ở trẻ gia tăng. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, không phải trẻ nào bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng cần phải đến BV khám hay nhập viện.
Trường hợp trẻ viêm phổi chỉ xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, thở nhanh nhưng vẫn ăn và chơi bình thường thì chỉ cần bác sĩ khám, sau đó cho về nhà dùng thuốc theo đơn và theo dõi chặt chẽ, cách 2 ngày vào viện kiểm tra một lần. Ngược lại, với trường hợp ho, sốt, thở nhanh nhưng có rút lõm lồng ngực, khó thở thì đó là lúc chứng viêm phổi của bé đã nặng, cần được nhập viện điều trị.
Còn theo PGS.TS Phạm Nhật An – Phó GĐ Bệnh viện Nhi Trung ương, khi cơ thể bị nhiễm lạnh, bất kỳ là mùa đông hay mùa hè thì trẻ rất dễ bị mắc bệnh. Khi mắc bệnh trẻ sẽ gây thay đổi nhiều về sinh lý, gây suy giảm sức đề kháng, từ đó sẽ gây nên nhiều căn bệnh. Đặc biệt là ảnh hưởng đến niêm mạc, gây nên bệnh về đường hô hấp…PGS An cũng cho biết, trong mùa đông ngoài các bệnh về đường hô hấp thì, bệnh viêm phổi cũng là căn bệnh chiếm tỉ lệ trẻ mắc phải tương đối cao. Theo đó, nguyên nhân chính gây bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ là do virus và vi khuẩn gây nên. Với điều kiện môi trường lạnh, sức đề kháng của trẻ giảm không bảo vệ được niêm mạc đường hô hấp của trẻ. Đó chính là cơ hội để vi khuẩn thâm nhập và phát triển”

Theo PGS An, để phòng tránh bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp cho trẻ trong mùa đông, các bậc phụ huynh cần phải hết sức chú ý không để cho trẻ nhiễm lạnh, đặc biệt là môi trường sống của trẻ, nhất là trẻ sơ sinh. “Chúng ta đừng nghĩ mùa đông chỉ cần mặc ấm cho trẻ là đủ, vì môi trường có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe trẻ nhỏ. Bởi ngoài đảm bảo không khí, nhiệt độ phù hợp thì độ ẩm cũng rất quan trọng. Ngoài ra, để phòng chống bệnh viêm phổi cho trẻ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm. Một vấn đề nữa là cần phải bảo đảm dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ” - ông An khuyến cáo.
Về cách giữ ấm cơ thể cho trẻ, các chuyên gia nhi khoa cũng khuyến cáo, đối với trẻ nhỏ, một số bộ phận cần phải giữ ấm như cổ hoặc tai. Tuy nhiên, bộ phận quan trọng nhất đó chính là đường thở của trẻ, vì nó sẽ tiếp xúc trực tiếp với không khí, nhưng phụ huynh không thể bị kín đường thể của trẻ. Chính vì thế, môi trường sạch sẽ, nhiệt độ phù hợp là quan trọng nhất.
Ngoài ra, việc giữ ấm tay chân cũng cần thiết, tuy nhiên việc lúc nào cũng quấn kín tay, chân là không cần thiết, chỉ khi nào ra ngoài thời tiết lạnh hoặc ngủ không vận động thì nên đeo tất cho trẻ. Bởi, khi nào cũng bịt kín tay chân sẽ khiến trẻ khó vận động.
Theo Khám phá


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn