Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, nhóm phụ nữ trình độ đại học có tỷ lệ tế bào ung thư và tiền ung thư cổ tử cung cao hơn hẳn so với nhóm phụ nữ nhóm trình độ thấp hơn và mù chữ.











Mỗi ngày 9 phụ nữ tử vong do ung thư CTC


Ung thư cổ tử cung (CTC) hiện đang là một trong số những căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở phụ nữ, điều đáng nói căn bệnh này đang ngày cang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng theo từng năm. BS Dương Ngọc Vân - Chuyên khoa Sản phụ, Bệnh viện Đa khoa Meladtec cho biết, ung thư CTC đang là vấn đề nóng, khi là một trong những căn bệnh có tỷ lệ gia tăng hàng đầu ở nước ta và đã cướp đi tính mạng của nhiều phụ nữ Việt Nam. BS Vân dẫn chứng, tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về ung thư CTC tại Việt Nam” do Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình (RaFH) phối hợp với Quỹ Ung thư CTC Australia tổ chức ngày 18/3/2015 tại Hà Nội, đã đưa ra những thông tin mới nhất về căn bệnh ung thư CTC.
Theo đó, mỗi ngày nước ta có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư CTC và cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc ung thư CTC với 11 trường hợp tử vong. Mỗi năm, có trên 5000 trường hợp mắc và hơn 2000 trường hợp tử vong vì bệnh này. Những con số về tỉ lệ tử vong cũng như số người mắc ung thư CTC ở Việt Nam đủ khiến nhiều người giật mình.
Dùng thuốc tránh thai cũng có tỷ lệ tế bào tiền ung thư, ung thư CTC cao hơn so với phụ nữ không dùng.
Không chỉ có vậy, một nghiên cứu trên 2.200 phụ nữ của BS Phạm Kỳ Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cũng cho thấy những con số đáng quan tâm về tỉ lệ ung thư CTC. Bởi những con số này có liên quan đến trình độ học vấn, nghề nghiệp. Theo nghiên cứu này, nhóm phụ nữ có trình độ đại học có tỷ lệ có tế bào ung thư, tiền ung thư cao nhất với 11,9%, cao hơn hẳn nhóm phụ nữ có trình độ thấp hơn và mù chữ. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ có sử dụng thuốc tránh thai có tỷ lệ tế bào tiền ung thư, ung thư CTC cũng cao hơn so với phụ nữ không dùng thuốc tránh thai (7,29% so với 4,17%).
Khám sàng lọc định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh
Nói về nguyên nhân gây khiến căn bệnh ung thư CTC ngày càng gia tăng và đáng báo động, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân chính của tình trạng này là do phụ nữ chưa được khám sàng lọc định kỳ và chưa có hệ thống phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp và dễ tiếp cận.
Ngay cả khi những người phụ nữ phát hiện các dấu hiệu tiền lâm sàng các tổn thương của ung thư CTC, họ cũng chưa được điều trị kịp thời, đúng cách. Bên cạnh đó, nhận thức của phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn về tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư CTC còn hạn chế, tỷ lệ khám sàng lọc còn thấp và chủ yếu là thụ động, trong khi đó công tác tiêm phòng ngừa ung thư CTC chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam.
95% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện thấy virus HPV.
Nếu các tổn thương ở CTC không được sàng lọc, điều trị kịp thời thì khoảng 10 năm nữa, tỉ lệ mắc mới và chết do ung thư CTC sẽ tăng thêm 25%. Đây là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có chương trình tầm quốc gia về sàng lọc, dự phòng và điều trị ung thư CTC được áp dụng trên toàn quốc.
BS Ngọc Vân cho biết, hiện nay với những tiến bộ về y học thì các phương pháp thăm khám lâm sàng, soi bàng quang, trực tràng, xét nghiệm PAP- Smear, đặc biệt xét nghiệm HPV rất có giá trị trong chẩn đoán ung thư CTC. Theo đó, khi “chị em” cần phải thăm khám lâm sàng bằng cách, thăm khám âm đạo nhằm đánh giá các tổn thương phối hợp trên thân tử cung và các phần phụ, hoặc xâm lấn nếu cso vào bằng quang hay trực tràng. Ngoài ra, thăm khám trực tràng là thăm khám bổ sung cần thiết, cho phép xác định thâm nhiễm của ung thư CTC vào các dây chẳng.
Với ung thư CTC cũng có thể chẩn đoán bằng tế bào học hay xét nghiệm PAP-Smear: Xét nghiệm này có thể tiến hành ở phòng khám hoặc trong bệnh viện. “Có thể dùng một cái nạo bằng gỗ hoặc một bàn chải nhỏ để lấy tế bào cổ tử cung và phần trên âm đạo. Những tế bào này được đặt lên một phiến kính và gửi tới phòng thí nghiệm để kiểm tra nhằm phát hiện ra những thay đổi bất thường”, BS Vân cho biết.
Phương pháp quan trọng nhất để phát hiện ung thư CTC đó chính là xét nghiệm HPV. Theo BS Vân, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, hiện nay có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy nhiễm virut HPV trong thời gian dài là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư CTC ở phụ nữ (99,7% ung thư cổ tử cung xâm lấn trên thế giới đều xác định có HPV gây ung thư). Do vậy, xét nghiệm HPV nên được thực hiện cùng với sàng lọc cổ tử cung theo thường qui.
* Khuyến cáo của BS Dương Ngọc Vân để phòng tránh ung thư CTC:
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ 1 lần và làm các xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư CTC như tôi đã nói ở trên
- Tiêm phòng vac-xin HPV
- Chế độ dinh dưỡng: Cải thiện chế độ ăn uống lành mạnh để nâng cao sức khỏe, tằng cường sức đề kháng chống lại các nguy cơ gây bệnh. Tránh hút thuốc lá hay tiếp xúc với môi trường có khói thuốc.
- Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, ma túy,…
- Chế độ nghỉ ngơi, vận động: Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, thoải mái đồng thời hạn chế căng thẳng, stress là nguyên nhân khiến mầm bệnh hình thành và phát triển nhanh hơn.
- Phụ nữ cần quan hệ tình dục cẩn thận, hạn chế dùng thuốc tránh thai đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp. Thực hiện an toàn tình dục, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.
- Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô ráo, đặc biệt là trong những thời điểm nhạy cảm như: kỳ kinh nguyệt, trước và sau khi quan hệ tình dục, tiền mãn kinh, mãn kinh, sinh nở, giai đoạn sau sinh,…
- Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh nhiều con.
Theo Khám phá


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn