Khi mắc bệnh ung, nhiều người luôn nghĩ rằng mình đã mang “bản án tử hình”. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng vì nếu ở giai đoạn đầu thì hoàn toàn có thể chữa được, và khi ở giai đoạn cuối thì có thể điều trị giảm nhẹ.








Theo thống kê của ngành y tế Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoàng 150.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó có trên 70.000 người tử vong do mắc phải căn bệnh này. Điều đáng nói, số người tử vong là nam giới khi mắc phải căn bệnh ung thư chiếm tới 57%, còn lại 43% là nữ giới.


Khó để xác định yếu tố gây bệnh
Bàn về vấn đề yếu tố nguy cơ nào dẫn đến bệnh ung thư, GS.TS Nguyễn Bá Đức – nguyên giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam cho rằng, yếu tố nguy cơ gây ung thư là bất cứ cái gì có thể làm ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh ung thư.
Theo đó, một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: các thói quen ăn uống, sinh hoạt…nhưng một số yếu tố khác thì không thể. Tuy nhiên, tỉ lệ không thể thay đổi được là rất ít.
“Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm tuổi tác, giới tính (liên quan đến nội tiết tố) và lịch sử bệnh gia đình. Còn các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như thói quen sinh hoạt, hút thuốc, nhai trầu và uống rượu…Ngoài ra, các yếu tố ô nhiễm khác trong môi trường cũng có liên quan đến việc mắc bệnh ung thư”, GS Đức cho hay.
Tuy nhiên, GS Đức cũng cho biết, nhưng yếu tố nguy cơ không nói lên tất cả. “Có một hay nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa rằng bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh, nhưng có nhiều yếu tố tác động thường xuyên, nguy cơ mắc bệnh sẽ nhiều hơn.
Thậm chí cũng có nhiều người mắc bệnh ung thư có thể không thấy yếu tố nguy cơ nào được biết đến. Ngay cả khi một người bị mắc bệnh ung thư có nhiều yếu tố nguy cơ, thông thường cũng khó biết được yếu tố nguy cơ nào là chủ yếu gây ra bệnh ung thư”, GS Đức phân tích.
Cuối cùng giải đáp một số nghi vấn cho rằng, bệnh ung thư có thể lây nhiễm từ người này sang người khác, GS Đức khẳng định: “Bệnh ung thử hoàn toàn không lây nhiễm từ người này sang người khác do tiếp xúc, dù là ung thư hô hấp hay bất kỳ loại ung thư nào, vì vậy ung thư cùng với một số bệnh khác như: tim mạch, thấp khớp, rối loạn chuyển hóa…được xếp vào nhóm bệnh không lây nhiễm”.

Nếu đã mắc ung thư, liệu còn sống được bao lâu?

Đây là câu hỏi thường được người bệnh đặt ra đầu tiên khi biết mình mắc bệnh ung thư. Theo GS Nguyễn Bá Đức, nhiều người vẫn tin rằng: “Bệnh ung thư đồng nghĩa với cái chết, mang bản án tử hình”, nhưng sự thực là hầu hết các bệnh ung thư đều có thể chữa trị được.
“Hiện nay, có khoảng 12 triệu người Mỹ đang có hoặc đã từng mắc căn bệnh này. Ở Việt Nam, có rất nhiều người đã chữa bệnh ung thư mà vẫn sống khỏe. Một điều khá bất ngờ và lý thú là một số người bệnh ung thư sau khi chữa khỏi bệnh nhiều năm, lại quay sang nghi ngờ: “Hay trước đây mình bị chẩn đoán nhầm”, GS Đức lý giải.

GS Nguyễn Bá Đức cho rằng, một số bệnh ung thư có thể chữa khỏi được nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Theo GS Đức, thời gian sống của người bệnh thay đổi theo từng loại bệnh ung thư khác nhau, do vậy, rất cần thiết phải tìm hiểu xem cách điều trị nào phù hợp với từng loại bệnh ung thư.
“Trong khi, các con số thống kê về tỷ lệ sống chỉ có thể đưa ra được một bức tranh chung, thường là tính tỷ lệ trung bình, thì mỗi người bệnh là một cá thể duy nhất và các con số thông kê không thể xác định được chính xác điều gì sẽ xảy ra.
Bởi vậy, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị nếu bạn có những thắc mắc về cơ hội chữa khỏi bệnh và thời gian bạn có thể chiến thắng căn bệnh này. Họ sẽ là người hiểu tình hình của bạn rõ nhất”, GS Đức phân tích.
Qua thực tế, GS Đức đã từng gặp những trường hợp khi người bệnh phát hiện mình mắc ung thư ở giai đoạn cuối, tương lai không lạc quan và cho rằng mình không sống lâu được nữa. Vẫn biết rằng, đây là thông tin nặng nề và khó có thể chấp nhận cho bất kỳ ai, tuy nhiên, bạn hãy lựa chọn giải pháp điều trị giảm nhẹ các triệu chứng và chăm sóc, nâng cao chất lượng sức khỏe một cách tốt nhất.

Theo Khám phá

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn