Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện bệnh bạch hầu đang bùng phát tại Lào, nên Việt Nam cần chủ động tăng cường giám sát căn bệnh này.





Từ tháng 6-10/2015, tại Lào đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại 6/17 tỉnh, thành phố. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu, được cho là ca mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại Thủ đôVientianevào ngày 3/6/2015. Ngay sau đó, Bộ Y tế Lào đã tổ chức điều tra mở rộng tình hình dịch bạch hầu và phát hiện thêm các trường hợp mắc tại 5 tỉnh khác với 29/60 quận, huyện ghi nhận có người mắc bệnh. Trong đó, trẻ dưới 15 tuổi mắc bệnh này chiếm tỷ lệ 61%.
Trước những diến biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại Lào, Bộ Y tế Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và thường xuyên trao đổi thông tin với nước bạn để triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp. Theo nhận định, nguy cơ dịch có thể lây truyền sang các khu vực thôn bản vùng biên giới, rồi lan sang các khu vực khác trong nước là rất cao.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ (người lớn chưa có miễn dịch cũng có thể mắc bệnh). Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, nhất trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Bênh này được tiêm phòng vắc xin DPT (bạch hầu – ho gà – uốn ván) trước năm 2010 và vắc xin Quinvaxem (bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib) từ năm 2010 đến nay.
Trong năm nay, Việt Nam cũng đã có một số ít trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại một số thôn, bản vùng sâu, vùng xa của huyện K’Bang (Gia Lai) và huyện Phước Sơn (Quảng Nam) do người dân không tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn