Người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số; sốt rét ngoại lai từ những người lao động trở về từ châu Phi, Lào, Campuchia...





Người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số; sốt rét ngoại lai từ những người lao động trở về từ châu Phi, Lào, Campuchia... Đây là những yếu tố khiến công tác phòng chống sốt rét ở nước ta còn nhiều gian nan.
Làm ăn ở vùng sốt rét lưu hành, 1 người tử vong
Thông báo tại Hội nghị Sơ kết công tác phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng (SR-KST-CT) khu vực phía Bắc, PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện SR-KST-CT Trung ương cho biết, trong 6 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt rét.



Điều tra ký sinh trùng sốt rét tại cộng đồng.
Bệnh nhân là Lý Văn Páo, 21 tuổi, người dân tộc Mông, ở thôn Nà Luông, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Bệnh nhân có tiền sử dịch tễ đi làm ăn ở vùng sốt rét lưu hành nặng của tỉnh Gia Lai, trở về ngày 1/5. Đến ngày 17/6, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau đầu, người mệt mỏi, được gia đình đưa đến BVĐK huyện Chiêm Hóa khám. Bệnh nhân được chuyển lên BVĐK tỉnh Tuyên Quang điều trị trong tình trạng hôn mê, suy đa phủ tạng, được đưa vào Khoa hồi sức, xét nghiệm lam máu thấy ký sinh trùng sốt rét Plasmodium flaciparum (P.f +++), được chẩn đoán sốt rét ác tính. Do bệnh quá nặng không còn khả năng cứu chữa, theo nguyện vọng của gia đình, bệnh nhân đã được đưa về nhà ngày 18/6 và tử vong ngày 19/6.
Báo cáo về tình hình sốt rét, PGS.TS. Trần Thanh Dương cũng cho biết, so với cùng kỳ năm 2014, trong 6 tháng đầu năm 2015 tỷ lệ mắc sốt rét trong cả nước giảm 5,9%, số bệnh nhân sốt rét ác tính giảm 35,7% và số tử vong do sốt rét không tăng. Cụ thể, đã ghi nhận 10.602 trường hợp mắc sốt rét, trong đó 18 bệnh nhân sốt rét ác tính và 1 trường hợp tử vong do sốt rét. Đây là kết quả nỗ lực của các địa phương trong việc giám sát phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân sốt rét. Đồng thời, tiến hành các hoạt động phòng chống muỗi truyền bệnh, truyền thông phòng chống sốt rét theo kế hoạch và đạt được các chỉ tiêu đề ra.
Nguy cơ sốt rét tái bùng phát vẫn rất cao
Đánh giá về tình hình sốt rét 6 tháng đầu năm, các chuyên gia nhận định, mặc dù số người mắc sốt rét giảm so với cùng kỳ năm 2014 nhưng nguy cơ sốt rét quay trở lại và nguy cơ bùng phát dịch sốt rét vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là do số người sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở một số tỉnh và có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa phương khác, muỗi truyền bệnh kháng với hóa chất, di biến động dân cư giữa vùng sốt rét lưu hành và vùng không có sốt rét lưu hành...
Trong đó, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là 2 khu vực có số lượng bệnh nhân tăng so với cùng kỳ năm 2014 và cao hơn so với các khu vực khác. Biểu đồ diễn biến sốt rét theo từng tháng cũng cho thấy, số bệnh nhân mắc sốt rét tăng cao nhất vào tháng 1, sau đó giảm liên tiếp đến tháng 4 và tăng trở lại vào tháng 5 và 6. Tình hình nhiễm ký sinh trùng sốt rét cả nước trong 6 tháng đầu năm cũng tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2014 (5.623/4.810), trong đó khu vực Đông Nam Bộ có số lượng ký sinh trùng sốt rét tăng cao nhất (82,5%), tiếp đến là Khu IV cũ, Tây Nguyên và đồng bằng trung du Bắc Bộ.
Về tình hình sốt rét ngoại lai, báo cáo cho biết, toàn quốc ghi nhận 1.356 ký sinh trùng sốt rét ngoại lai trong tổng số 5.623 trường hợp có ký sinh trùng sốt rét (chiếm 24,11%). 41 tỉnh không có ký sinh trùng nội địa, 22 tỉnh còn lại có ký sinh trùng lây truyền tại chỗ. Hiện đã ghi nhận 137 trường hợp có sốt rét ngoại lai từ châu Phi và 145 trường hợp sốt rét ngoại lai từ Lào và Campuchia. Các tỉnh có sốt rét ngoại lai cao là Lâm Đồng (159 trường hợp), Bình Định (156), Quảng Bình (144), Nghệ An (129), Phú Yên (105) và Hà Tĩnh (65 trường hợp).
Về công tác phòng chống sốt rét 6 tháng cuối năm, các chuyên gia dự báo, đây là thời kỳ mưa bão, lũ lụt, điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt rét phát triển, nhiều vùng có thể bùng phát dịch nếu không được giám sát chặt chẽ và phòng chống kịp thời. Do đó cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc sốt rét ở mức dưới 35 trường hợp/ 100.000 dân và tỷ lệ tử vong xuống dưới 0,018 trường hợp/100.000 dân. Trong khi nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho dự án chỉ đáp ứng 60% nhu cầu và nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng chống sốt rét nước ta ngày càng thu hẹp, dự án cần tiếp tục huy động đầu tư từ các nguồn lực tại chỗ và nguồn lực của địa phương để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn