Ngày 21/7 gần 1 tấn bì lợn hôi thối đã bị Phòng 6, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17...





Ngày 21/7 gần 1 tấn bì lợn hôi thối đã bị Phòng 6, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17, Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra, thu giữ. Số bì lợn hôi thối này được ngâm tẩm, tẩy rửa hóa chất, sau đó làm nem chua, nem ngọt bán ra thị trường.
Bì lợn thối ngâm tẩm hóa chất được chế biến đủ món
Sau một thời gian dài theo dõi, các trinh sát thuộc Đội 3, Phòng 6, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an đã lên kế hoạch theo dõi hoạt động kinh doanh của nhà hàng Trần Công Châu (số 8, phố Trần Xuân Soạn, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Quá trình theo dõi, phát hiện hàng ngày vào buổi trưa có các xe máy mang biển kiểm soát của tỉnh Hưng Yên, chở nguyên liệu là bì lợn, giao cho nhà hàng nem chua Trần Công Châu. Tiếp tục theo dõi, cơ quan điều tra phát hiện nguồn hàng tại Văn Lâm, Hưng Yên.



Lực lượng công an lập biên bản đối với chủ cơ sở.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhà hàng này đang nhập một lượng lớn bì lợn (nguyên liệu nhà hàng Trần Công Châu thu, mua sử dụng để sản xuất nem chua, nem ngọt), không rõ nguồn gốc với số lượng khoảng gần 1 tấn. Vào thời điểm kiểm tra, nhà hàng Trần Công Châu không đưa ra được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch.
Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng Đội 3 (Phòng 6-C49) cho biết: Qua khai thác từ các đối tượng vận chuyển, số bì lợn này được các cơ sở tại Văn Lâm, Hưng Yên thu mua từ nhiều đầu mối trôi nổi trên thị trường. Sau đó, giao cho một số cơ sở làm nem chua trên địa bàn Hà Nội. Lực lượng chức năng xác định, toàn bộ số hàng hóa này đều không có kiểm dịch của cơ quan thú y. Tại đây, nếu chứng kiến không thể không rùng mình vì bì lợn sau khi thu gom được vứt dưới đất, gần các nhà vệ sinh, ruồi bu đen sì. Sau khi sơ chế, bì lợn được bảo quản trong những chiếc thùng màu xanh, được ngâm bằng một số loại hóa chất có thể để trong nhiều ngày không bị hư hỏng.
Liên quan đến việc sử dụng bì lợn chế biến thành thực phẩm, trước đó nhiều vụ vận chuyển bị các lực lượng chức năng trong cả nước ngăn chặn bắt giữ, tuy nhiên vì lợi nhuận các cơ sở kinh doanh, chế biến thiếu đạo đức bằng sản phẩm ôi thiu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được ngâm tẩm bằng hóa chất hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình, Công an Thanh Hóa đã bắt giữ xe ôtô khách BKS 18B-002.01 do tài xế Trần Ngọc Thoan, 34 tuổi, ở xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vận chuyển 6 bao bì lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trọng lượng là 1.200kg. Được biết, số bì lợn nói trên được vận chuyển và đem đi tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để làm nem chua truyền thống. Cũng vụ việc vận chuyển bì lợn không rõ nguồn gốc, Công an huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội cho biết, ngày 20/5 đơn vị này vừa phát hiện, bắt quả tang vụ vận chuyển 1 tấn tóp mỡ nước và bì lợn bốc mùi hôi thối nồng nặc. Qua kiểm tra, lái xe Đinh Quang Vũ (26 tuổi, trú tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ có liên quan tới nguồn gốc, chất lượng của lô hàng nói trên.
Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình
Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Quốc gia cho biết: Tác hại đối với người tiêu dùng nếu ăn thực phẩm nhiễm hóa chất quá nhiều trong thời gian dài sẽ có những ảnh hưởng nhất định do bị nhiễm kim loại nặng, thuốc kháng sinh và chất kích thích sẽ tích tụ dần trong cơ thể. Các bệnh thường gặp đối với người tiêu dùng là suy gan, suy thận, sa sút trí tuệ,... Đối với những thực phẩm được ngâm tẩm bảo quản bằng formol, ure, hàn the, chất bảo quản không cho phép cũng là nguy cơ gây ung thư và tổn thương tế bào não. Bên cạnh đó, khi bị ngộ độc loại này, cơ thể dễ bị đề kháng với các loại kháng sinh nên khi cơ thể bị bệnh sẽ khó điều trị hơn. Thậm chí, chất độc trong thực phẩm bẩn bị ô nhiễm, các phụ gia, chất bảo quản hóa học không được phép sử dụng cho người hoặc quá liều cho phép đều có thể gây tổn hại cho các tế bào trong cơ thể và ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Theo đó, ông Phạm Xuân Đà khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, có sự quản lý kiểm định, cấp phép của cơ quan nhà nước để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn