Đang là thời điểm mùa nắng nóng, bệnh sốt virut tăng cao. Thông tin từ Khoa Nhi Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, sốt virut chiếm khoảng 20-25% số trẻ đến khám cấp cứu.





Đang là thời điểm mùa nắng nóng, bệnh sốt virut tăng cao. Thông tin từ Khoa Nhi Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, sốt virut chiếm khoảng 20-25% số trẻ đến khám cấp cứu. Tuy nhiên, một điều rất đáng báo động, đó là hiện tượng lạm dụng kháng sinh. Theo các bác sĩ, sốt virut không cần dùng kháng sinh để điều trị và cũng không làm rút ngắn thời gian trị bệnh. Việc sử dụng kháng sinh thừa sẽ khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn và nguy cơ kháng kháng sinh rất lớn.
Kháng sinh không trị được virut
Chị Nguyễn Hồng Thu (Hà Nội) thấy con trai 3 tuổi sốt 38 độ, chị cho rằng con sốt do viêm họng như mọi lần. Chị tự ra hiệu thuốc, kể bệnh với người bán và mua thuốc về cho con uống. Tới 3 ngày nhưng con vẫn sốt cao. Khi đó, chị mới cho con đi viện khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận, cháu bị sốt virut, men gan tăng cao.



BS. Nguyễn Thành Nam - Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai khám cho bệnh nhi nhập viện vì kháng kháng sinh.
Chị Trần Thị Thanh, mẹ cháu Hoàng Tuấn Phong (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cách đây vài ngày, thấy con bị sốt, hay nôn trớ, chị cho rằng vẫn là bệnh viêm họng thường kỳ nên đã lấy đơn thuốc cũ của cháu và đi mua kháng sinh nặng hơn loại bác sĩ đã kê để uống cho nhanh khỏi. Tuy nhiên, tới ngày thứ 4 mà con chị vẫn sốt, không những thế lại kèm theo cả đi ngoài ngày tới hơn chục lần. Thấy vậy, chị buộc phải đưa con đi khám và cũng được bác sĩ chẩn đoán, con chị bị sốt virut.
Theo BS. Nguyễn Thành Nam - Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, sốt virut là bệnh chủ yếu gặp ở mùa hè. Sốt virut có biểu hiện: trẻ đột ngột sốt cao 39-400C, trong cơn sốt, cơ thể đau nhức, mệt mỏi, sau 2-3 ngày sốt có thể có nước mũi trong, ho, hắt hơi... Những triệu chứng này cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác cùng thời điểm như nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm não - màng não. Để chẩn đoán đúng bệnh, bệnh nhân phải được các bác sĩ khám và cho làm các xét nghiệm mới kết luận được chính xác.
BS. Nam cho biết, nếu trẻ được chẩn đoán là sốt virut thì không cần dùng kháng sinh để điều trị. Sử dụng kháng sinh không làm rút ngắn thời gian bị bệnh bởi kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn chứ không tiêu diệt virut. Dùng kháng sinh thừa sẽ dẫn tới hiện tượng thừa kháng sinh rất nguy hiểm khiến bệnh có thể có những biến chứng trầm trọng hơn, khi nhập viện, thời gian chữa trị kéo dài và gây tốn kém cho gia đình. Sốt virut thông thường sẽ khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ đi khám được chẩn đoán là sốt virut mà sau 2-3 ngày điều trị vẫn không đỡ sốt hoặc có những triệu chứng bất thường như: nôn, đau đầu, mệt mỏi, li bì, bỏ ăn... thì gia đình nên đưa trẻ đi khám lại ngay.
BS. Nam lưu ý các vị phụ huynh về điểm khác của sốt virut so với các thể sốt khác, khi sốt cao sẽ thấy rất mệt mỏi, tuy nhiên sau khi hạ sốt, trẻ sẽ trở lại linh hoạt như bình thường. Nếu thấy trẻ có hiện tượng bị sốt thì không được tự ý mua kháng sinh hoặc dùng lại đơn thuốc cũ cho trẻ, cần phải đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám.
Tác hại của việc dùng kháng sinh bừa bãi
Giải thích về những tác hại của việc dùng kháng sinh bừa bãi, BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, kháng sinh rất có lợi nếu dùng đúng bệnh nhưng nếu dùng không đúng sẽ mang lại tác hại không chỉ với bản thân người dùng kháng sinh mà với cả những người xung quanh. Kháng sinh khi đưa vào cơ thể không diệt được virut gây bệnh nhưng lại diệt những vi khuẩn có lợi trong cơ thể người ốm. Người bệnh có thể bị dị ứng, nổi mề đay, ngứa, tiêu chảy, một số loại kháng sinh dẫn tới hại thận, men gan tăng...
BS. Dũng khẳng định, dùng kháng sinh tùy tiện sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn đột biến gen, kháng lại thuốc. Do đó, những lần sau bị bệnh, người bệnh sẽ dễ bị vi khuẩn kháng thuốc này tấn công và phải dùng phác đồ khác để điều trị. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian nằm viện sẽ kéo dài, tốn kém cho gia đình và lại tăng nguy cơ bội nhiễm trong bệnh viện. Đây cũng là lý do giải thích thắc mắc của nhiều vị phụ huynh hay áp dụng đơn thuốc lần trước cho con uống mà không thể khỏi bệnh. Còn đối với những người sống trong cùng một gia đình, vi khuẩn kháng kháng sinh có thể lây sang người khác qua tiếp xúc hằng ngày. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, ở mỗi huyện, xã, BV, tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc tăng theo lượng kháng sinh đã sử dụng.
Một tình trạng nữa, BS. Dũng cũng cảnh báo đó là sự lạm dụng kháng sinh không chỉ ở phía người dân mà còn từ phía y, bác sĩ. Ví dụ, một bệnh đơn giản là viêm họng (ở cả người lớn và trẻ em), bác sĩ cần xác định bệnh do virut hay vi khuẩn qua các triệu chứng lâm sàng để kê đơn cho hợp lý. Nếu ho do virut thì có kèm đau mắt, chảy mũi, ho, đặc biệt là ho, bởi viêm họng có ho thường do virut, còn ho do vi khuẩn liên cầu thì sẽ xuất hiện sưng đau hạch cổ, xuất tiết ở họng. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều trẻ chỉ viêm họng, ho do virut nhưng vẫn được chỉ định dùng kháng sinh.

BS. Dũng cũng kiến nghị về việc bán thuốc không theo đơn tại các hiệu thuốc hiện nay cần siết chặt hơn nữa để tránh tình trạng người dân dễ dàng mua thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn