Trầm cảm là một bệnh khá phổ biến với khoảng 10% dân số mắc ít nhất một lần tại thời điểm nào đó trong cuộc đời. Với một người điển hình mắc trầm cảm mà không được điều trị, thì bệnh sẽ kéo dài khoảng một năm, rồi dần qua đi nhưng khả năng tái phát trong tương lai thì khá cao. Nếu ai đó đã bị trầm cảm thì khả năng tái phát là khoảng 50% nếu không nhận được điều trị phù hợp.






Những người không biết về trầm cảm đôi khi tin rằng điều trị trầm cảm là sang chảnh và rằng trầm cảm không cần thiết phải điều trị vì tự nó sẽ qua đi. Tuy nhiên điều trị cho các vấn đề SKTT (Sức khỏe tâm thần) như trầm cảm là rất quan trọng. Nếu không được điều trị thành công thì khả năng tái phát trong tương lai là rất cao. Hơn nữa, hậu quả của trầm cảm có thể rất nặng nề. Người bị trầm cảm có thể có khó khăn đáng kể trong khi làm việc (khoảng 75% bệnh nhân trầm cảm) hoặc giúp đỡ chăm sóc gia đình (khoảng 65% bệnh nhân trầm cảm). Khả năng người bị trầm cảm tự tử khá cao (khoảng 15% bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, và khoảng 4% bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát).
Đầu tiên là điều trị bằng thuốc.
May mắn là có các phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả. Mỗi phương pháp điều trị đều có điểm mạnh và điểm yếu. Đầu tiên là điều trị bằng thuốc. Điều trị bằng thuốc thường hiệu quả (khoảng 65% bệnh nhân điều trị thành công bằng thuốc) và khá dễ dàng cho bác sỹ và y tá sử dụng. Bệnh nhân thường thích điều trị bằng thuốc bởi vì điều này đơn giản, không đòi hỏi nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, có những điểm yếu đáng chú ý của điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân trầm cảm. Khoảng 1/3 bệnh nhân có tác dụng phụ do dùng thuốc như buồn nôn, cảm thấy bồn chồn, lo lắng, hoa mắt, cảm thấy mệt mỏi… Các tác dụng phụ sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng có thể bác sỹ phải đổi thuốc nếu các tác dụng phụ nhiều và gây khó chịu cho bệnh nhân. Một hạn chế quan trọng nữa của điều trị bằng thuốc cho trầm cảm là khi dừng uống thuốc, các triệu chứng có thể quay trở lại.
Tiếp theo là tâm lý trị liệu
Phương pháp điều trị thứ hai cho trầm cảm là tâm lý trị liệu, ở đó bệnh nhân nói chuyện với y tá, nhà tâm lý, cán bộ công tác xã hội, bác sỹ hoặc những nhà chuyên môn khác để học những cách mới, hiệu quả hơn khi suy nghĩ (như phân tích những thuận lợi và bất lợi của một tình huống nào đó để đưa ra quyết định phù hợp) và các hành động mới (như học những cách mới để giúp đỡ gia đình). Để điều trị hiệu quả, liệu pháp tâm lý thường đòi hỏi bệnh nhân gặp gỡ với nhà trị liệu trong khoảng 45 phút/1 lần/tuần, trong vòng khoảng 2 tháng. Vì vậy điểm yếu của tâm lý trị liệu là đòi hỏi nhiều công sức và thời gian từ cả bệnh nhân và nhà trị liệu so với điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, tâm lý trị liệu không gây ra tác dụng phụ, nếu trị liệu thành công thì hầu như không có khả năng tái phát. Nếu thực hiện chính xác, khoảng 75% bệnh nhân có thể thành công với tâm lý trị liệu.
Liệu pháp tâm lý ban đầu được phát triển để các chuyên gia, được đào tạo chuyên sâu về SKTT cung cấp cho bệnh nhân như bác sỹ tâm thần hoặc nhà tâm lý. Với cách tiếp cận như vậy thì không khả thi ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà chỉ có một số chuyên gia SKTT được đào tạo để điều trị cho tất cả những người cần được điều trị. Vì vậy, một cách tiếp cận mới gọi là “chuyển giao kỹ thuật” đã được phát triển. Chuyển giao kỹ thuật cho những người chăm sóc SKTT không chuyên như y tá, cán bộ công tác xã hội hoặc bác sỹ đa khoa, với những khóa đào tạo ngắn hạn (vài tháng so với hàng năm để đào tạo nhà tâm lý hoặc bác sỹ tâm thần). Tập huấn trọng tâm vào chỉ một rối loạn tâm thần và một phương pháp điều trị, và nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách tiếp cận này có thể hiệu quả đối với điều trị trầm cảm.
Biện pháp sử dụng kết hợp cả điều trị bằng thuốc và tâm lý rút gọn
Mặc dù phương pháp điều trị bằng thuốc cho trầm cảm đã được kiểm nghiệm ở Việt Nam và các nước khác, tâm lý trị liệu thì đã được kiểm chứng ở các nước đã phát triển như Mỹ và các quốc gia ở Châu Âu nhưng hiệu quả của tâm lý trị liệu ở Việt Nam còn chưa rõ ràng về, đặc biệt là khi trị liệu tâm lý được cung cấp bởi y tá hoặc bác sỹ đa khoa chứ không phải là các nhà tâm lý trị liệu hoặc bác sỹ tâm thần. Trong một dự án được thực hiện mới đây ở Đà Nẵng và Khánh Hòa, với khoảng 450 bệnh nhân ở các trạm y tế, các cán bộ nghiên cứu của Việt Nam và Mỹ đã thấy rằng chương trình “Kết hợp đa hợp phần trong chăm sóc trầm cảm” (MCCD) có kết quả cao. Chương trình MCCD sử dụng kết hợp cả điều trị bằng thuốc và tâm lý rút gọn, bệnh nhân gặp gỡ nhà trị liệu (y tá hoặc bác sỹ đa khoa) một lần một tuần trong vòng 2 tháng, và có thể có theo dõi sau trị liệu nếu bệnh nhân muốn. Chương trình MCCD có thể được cung cấp bởi các nhân viên của TYT, người đã được đào tạo trong chương trình. Nhóm nghiên cứu đã thấy rằng sau khoảng 1 đến 1,5 tháng điều trị 65% bệnh nhân trầm cảm hết trầm cảm, và sau 6 tháng 77% bệnh nhân không bị tái phát. Hiện tại nhóm nghiên cứu đang làm việc để xác định cách nhân rộng hiệu quả nhất cho chương trình điều trị này ở Việt Nam.
Cần biết thêm thông tin về chương trình điều trị trầm cảm này ở Việt Nam, vui lòng liên hệ:
Ông Lâm Tứ Trung: tutrung.lttrungdn@gmail.com;
Bà Nguyễn Thanh Tâm: tam.nguyen@basicneeds.org;
Minh Tuyết

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn