Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, mặt hàng sữa với trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn, giá sữa Việt Nam vẫn ở mức cao.







Tại sao giá ở Việt Nam lại đắt hơn như vậy?
Tại một buổi giao lưu trực tuyến về giá sữa diễn ra mới đây, chị Mai Văn Thế (Hải Phòng) đặt câu hỏi: “Tôi hay đi công tác tại Indonesia và Malaysia. Mỗi lần đi tôi đều cố mua sữa về cho con vì cùng loại tôi mua ở bên đấy có giá rẻ hơn. Tại sao giá ở Việt Nam lại đắt hơn như vậy? Cơ quan quản lý có biện pháp gì để giá sữa bằng nhau để tôi và cũng như nhiều bà mẹ khác không phải mang vác mỗi lần đi công tác?

Đây chắc hẳn không phải là câu hỏi của riêng cá nhân một người mẹ mà còn là của hàng triệu những người tiêu dùng Việt Nam. Dù mức sống của người dân vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới nhưng giá sữa lại cao hơn rất nhiều. So với các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia, giá sữa tại Việt Nam cao hơn khoảng 14-60%.

Câu chuyện giá sữa cũng được mang lên bàn nghị trường. Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay (12/6), Đại biểu Quốc hội Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Hiện nay Việt Nam quản lý giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi cam kết theo cơ chế thị trường và có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, giá sữa vẫn cao hơn thế giới, các biện pháp quản lý đưa ra đều vô hiệu. Quy định đưa ra nhưng chỉ trong thời gian ngắn các doanh nghiệp đã lách được, khiến giá sữa đã cao lại cao hơn, cứ cao nữa, cao mãi".

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, mặt hàng sữa với trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn, giá sữa Việt Nam vẫn ở mức cao.

Bộ trưởng cho hay, giải pháp cho vấn đề này trước hết là phải tăng cường sản xuất trong nước. “Vừa qua có mô số mô hình rất thành công như Vinamilk, Vingroup, TH True milk. Nếu gắn sản xuất chăn nuôi với chế biến sữa sẽ tăng hiệu quả kinh doanh và giúp giảm giá sữa”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, ngoài đẩy mạnh sản xuất trong nước, cơ quan quản lý cũng sẽ đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Thông qua thương thảo Hiệp định thương mại với các nước, phải đưa ra các biện pháp chặt chẽ, trong đó chú trọng dùng biện pháp phi thuế quan để giám sát. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính quản lý thị trường, thanh tra giá để đảm bảo theo đúng quy định.

Cũng lý giải về thực trạng giá sữa, trước đó, một đại diện từ Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá nhìn nhận, sở dĩ có sự khác nhau về giá giữa các nước trong khu vực là do có nhiều yếu tố khác nhau như môi trường kinh doanh, chính sánh ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng nên nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, ưu đãi, mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia.

Trong quá trình thực hiện bình ổn giá mặt hàng này, cơ quan quản lý gặp một số khó khăn như nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa.

Tuy nhiên, đại diện từ Bộ Tài chính cho rằng, quyền năng của người tiêu dùng rất lớn và người tiêu dùng nên là "người tiêu dùng thông minh", lựa chọn các sản phẩm có chất lượng gắn với giá cả hợp lý để các doanh nghiệp không có cơ hội thao túng về giá.

“Người tiêu dùng có quyền tẩy chay các dòng sản phẩm có biểu hiện lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng để trục lợi. Trên thế giới, tôi cũng biết có nhiều sản phẩm, người tiêu dùng "quay mặt" thì nhiều doanh nghiệp dẫn đến phá sản, nên doanh nghiệp phải có sự tôn trọng nhất định đối với người tiêu dùng”, ông Tuấn nói.
Theo SKDS

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn