Khi 16 bệnh viện (BV) tuyến Trung ương ký cam kết với Bộ Y tế không để bệnh nhân nằm ghép thì BV Việt Đức đã được Bộ Y tế nhắc đến là một điểm sáng nhất của ngành trong vấn đề giảm tải BV. Bởi, các BV mới chỉ ký cam kết không nằm ghép từ cuối tháng 12/2014, nhưng điều này đã được thực hiện ở BV Việt Đức từ nhiều năm trước. Để tìm hiểu những giải pháp mang tính bền vững cho vấn đề giảm tải BV, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Anh hùng Lao động, Giám đốc BV Việt Đức:





+ Việc giảm tải đòi hỏi phải có cơ sở bền vững, chứ không thể vì bệnh thành thích. BV Việt Đức đã thực hiện điều này trước khi các BV ký cam kết, bằng những giải pháp nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết: Vào viện, không ai muốn nằm ghép vì rất khổ, còn BV cũng không muốn để tình trạng này, vì rất ê chề. Ngay từ năm 2004, BV Việt Đức chỉ có 430 giường bệnh nhưng mỗi năm, mổ 16.000 ca, tình trạng nằm ghép 2-3 người/giường là phổ biến. Vấn đề nằm ghép khi đó cũng vô cùng bức xúc ở Việt Đức, bởi người vừa mổ lại phải nằm ghép quả là một cực hình.
Vì thế, Chính phủ và Bộ Y tế đã rất quan tâm đến vấn đề này, nên dự án BV vệ tinh đã ra đời, để BV Việt Đức huấn luyện cho các BV vệ tinh có các thầy thuốc giỏi, hạn chế bệnh nhân phải chuyển về BV Việt Đức, đồng thời, Bộ Y tế đầu tư xây dựng khu nhà 6 tầng cho BV Việt Đức. Từ khi ấy, chúng tôi đã quyết liệt thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Y tế, tăng thêm giường và tăng giờ làm việc, các bác sĩ làm cả ngày thứ bảy và chủ nhật, không để bệnh nhân nằm chờ mổ kéo dài. Thông thường, mổ phải có qui trình xét nghiệm, nhưng với bệnh nhân cấp cứu thì được mổ ngay. Chúng tôi cũng áp dụng công nghệ cao và phân loại bệnh nhân chặt chẽ. Những bệnh nhân nặng, đáng điều trị ở Việt Đức mới để, còn thì cho về BV tuyến dưới. BV Việt Đức không mổ các ca ruột thừa thông thường, mà chỉ mổ các ca ruột thừa khó, hay chửa ngoài tử cung, mổ lại của các nơi mổ không thành công vv…
Việc phân loại bệnh nhân giúp giảm tải rất nhiều. Dĩ nhiên, để làm được điều này, từ nhiều năm trước, chúng tôi đã tăng cường huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật cho hệ thống BV vệ tinh ở Lào Cai, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thái Bình… Thực hiện tốt đề án 1816 và tăng cường trao đổi kinh nghiệm với tuyến dưới là biện pháp chúng tôi chống quá tải từ xa cho BV Việt Đức.
Hiện BV đã có 52 phòng mổ, thời gian mổ phiên tăng thêm, có khi bệnh nhân đến khám và mổ chỉ trong một tuần, không phải chờ đợi nhiều. Từ năm 2012, BV hoàn toàn không còn nằm ghép. Đến nay, BV đã có 1.100 giường và cuối tháng 2-2015, khánh thành tòa nhà công nghệ cao với 350 giường thì BV Việt Đức có 1.450 giường bệnh nên việc không còn người bệnh phải nằm ghép càng được duy trì. Thậm chí, tháng 1/2015, tỉ lệ sử dụng giường bệnh của BV chỉ dao động từ 87 đến 95%, chứ chưa khi nào 100%. Chúng tôi xác định, giảm tải vì người dân và vì uy tín của chính BV.
<center></center>
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết.
+ Khi các BV cam đoan không còn nằm ghép thì dư luận lại dấy lên lo âu vì chuyện thành tích mà có thể dẫn đến bệnh nhân phải ra viện “non”. BV Việt Đức làm thế nào để không có tình trạng này, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết: Không thể có chuyện đó ở BV Việt Đức, vì bệnh nhân ngoại khoa không thể cho về sớm, bác sĩ chỉ cho ra viện khi đã đảm bảo an toàn. Vì mục đích cao nhất của người thầy thuốc là khỏi bệnh. Có thực tế là một số người được chuyển về BV tuyến dưới, nhưng không muốn về mà muốn nằm điều trị tối đa ở BV Việt Đức, sau đó về nhà là đi làm được luôn. Điều này không thể thực hiện được ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Chính vì thế mới có tuyến tỉnh, huyện để chăm sóc bệnh nhân sau khi điều trị.
+ Thưa ông, BV Việt Đức đã chuyển giao các kỹ thuật cho các BV vệ tinh. Nhưng thực sự trình độ, kỹ thuật của các BV tuyến dưới đã thật sự yên tâm?
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết: Tôi là người lo cái đó nhiều hơn mọi người. Vì nếu BV tuyến dưới không làm tốt, sẽ lại chuyển bệnh nhân lên BV Việt Đức, do đó, tôi phải là người sát hạch chặt chẽ nhất những kỹ thuật nào tuyến dưới được làm. Nhiều lần được Bộ Y tế mời đi thẩm định ngoại khoa ở các BV tuyến dưới, thường họ có thể làm được 10 phần, tôi vẫn chỉ cho làm 8 phần, để họ dần phấn đấu lên. Đương nhiên chúng tôi chuyển bệnh nhân về đâu thì nơi đó đã được chúng tôi thẩm định và phải có trách nhiệm với chúng tôi và trước Bộ Y tế.
<center></center>
Nhiều năm qua, bệnh nhân ở BV Việt Đức không phải nằm ghép.
+ BV Việt Đức là nơi đi đầu ngành y tế Việt Nam về giảm tải. Ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, BV có huy động các nguồn vốn xã hội hóa để góp phần vào việc giảm tải?
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết: Chính phủ và Bộ Y tế đã có những biện pháp quyết liệt để chỉ đạo giảm tải BV, nhưng theo tôi, biện pháp phải đi kèm với những điều kiện cần và đủ cho 1 chương trình, dự án được thực hiện tốt, căn cơ và Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện xã hội hóa cho các BV. Tôi xin nhắc lại, cơ chế xã hội hóa phải được làm một cách minh bạch, dân chủ công khai. Ngoài xã hội hóa về mặt trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân, thì chúng tôi còn tiếp tục vay vốn Ngân hàng Phát triển và KFV của Đức để mua trang thiết bị, xây nhà. Chúng tôi hiện có 1 khu nhà kỹ thuật cao 13 tầng, với 20 phòng mổ, nâng tổng số phòng mổ lên 52 phòng; thêm 350 giường, đủ sức để điều trị cho bệnh nhân không phải nằm ghép và bệnh nhân yên tâm không phải chuyển khi mà bệnh chưa đáp ứng được. Đó là cơ chế chính sách xã hội hóa rất minh bạch, dân chủ và làm rất tốt, góp phần không nhỏ để giảm tải BV.
+ Cảm ơn ông đã trao đổi!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn