Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định có nhiều nguy cơ ghi nhận thêm các trường hợp mắc cúm A/H7N9, Cúm A(H5N1) mới trên người.






GS TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế.
Chiều ngày 28/01/2015, tại Bộ Y tế, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người.
Tại buổi họp, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã báo cáo tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và các biện pháp phòng chống. Theo đó, dịch cúm gia cầm đã và đang có diễn biến phức tạp. Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định có nhiều nguy cơ ghi nhận thêm các trường hợp mắc cúm A/H7N9, Cúm A(H5N1) mới trên người.
Hiện nay, dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc vẫn chưa được khống chế và có nguy cơ bùng phát. Theo Tổ chức Y tế thế giới, riêng trong 3 tuần đầu tháng 01 năm 2015 tại Trung Quốc đã ghi nhận 16 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Tổng số mắc cúm A(H7N9) từ năm 2013 đến ngày 24/01/2015 là 486 trường hợp mắc (Trung Quốc 469: Đài Loan: 04, Hồng Kông: 12, Malaysia: 1), trong đó có 185 trường hợp tử vong. Số mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam của Trung Quốc, gần biên giới với Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm và trên người.
Đối với Cúm A(H5N1), ngày 06/01/2015, WHO thông báo bổ sung 16 trường hợp mắc mới cúm A(H5N1) tại Ai Cập, trong đó có 02 trường hợp tử vong, số mắc mới tại quốc gia này trong tháng 1/2015 lớn hơn số tích lũy của cả năm 2014 (14 trường hợp mắc).
Tích lũy từ năm 2003, thế giới ghi nhận 694 trường hợp mắc, 402 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 58%. Các trường hợp mắc đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, có các ổ dịch cúm gia cầm khu vực có ca bệnh.
Tại Việt Nam, năm 2014 có 02 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại Bình Phước và Đồng Tháp, cả hai trường hợp đều tử vong. Cả hai trường hợp này đều có tiển sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh.
Tích lũy từ đầu năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 127 trường hợp mắc, 64 trường hợp tử vong. Số mắc cao trong giao đoạn 2003-2010, từ năm 2011 đến nay ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh tại các địa phương. Năm 2015, chưa ghi nhận trường hợp mắc mới.
Để phát hiện sự lưu hành của các chủng vi rút cúm, đặc biệt là các chủng vi rút gây bệnh nguy hiểm và sự biến đổi gen của vi rút cúm, từ năm 2006 hệ thống giám sát trọng điểm cúm đã được thiết lập.
Trong năm 2014 và 03 tuần đầu năm 2015 đã xét nghiệm 5.907 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính và viêm phổi nặng, kết quả chung cho thấy trong số các trường hợp viêm đường hô hấp cấp chủ yếu là chủng vi rút cúm B chiếm 58%, tiếp đến là chủng vi rút cúm A(H3) chiếm tỷ lệ 29% và chủng vi rút cúm A(H1N1) đại dịch chiếm 13%, không ghi nhận cúm A(H7N9) tại Việt Nam.
Theo đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, nhiều chủng cúm mới xuất hiện; trong khi đó cúm A/H5N1 lưu hành rộng khắp trên đàn gia cầm của nhiều địa phương nước ta, 5% gia cầm mang chủng cúm A/H5N1 nhưng không biểu hiện.
Đặc biệt các chủng cúm A/H5N1 trên gia cầm của Trung Quốc giống 99% chủng cúm A/H5N1 trên gia cầm của Việt Nam chứng tỏ có sự di chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam. Thời tiết thay đổi thất thường cũng làm giảm sức đề kháng của gia cầm; hoạt động giết mổ, vận chuyển gia cầm gia tăng vào dip Tết, hoạt động nhập lậu gia cầm vẫn diễn ra.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng để ngăn chặn dịch cúm sang người, các đơn vị chức năng của Ngành Y tế phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan thực hiện tốt việc giám sát, tại cộng đồng, trong các bệnh viện, tất cả các trường hợp có biểu hiện viêm, nhiễm trùng hô hấp đều phải được lấy mẫu xét nghiệm để giám sát; tăng cường xét nghiệm thú y, nếu xét nghiệm phát hiện virus trên đàn gia cầm hoặc phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm thì sẽ ngăn chặn không để lây sang người; tăng cường truyền thông để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, trong đó có việc tuyên truyền người dân không ăn tiết canh; …

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn