Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại thực phẩm chức năng “nghi giả” vì vi phạm nhiều vấn đề về tem và nhãn mác.





Trong những ngày qua, sự việc cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ 12 tấn thực phẩm chức năng giả và không rõ nguồn gốc khiến không chỉ người tiêu dùng hoang mang, lo lắng mà ngay cả những doanh nghiện cũng điêu đứng vì hàng không bán được ra thị trường.
Theo tìm hiểu của Gia đình Việt Nam, tại Trung tâm Phân phối Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội), nơi được coi là chợ thuốc lớn nhất miền Bắc, các mặt hàng như: Sữa ong chúa, Nhau thai cừu, Collagen, Glucosamine …rất khó mời chào khách hàng.

Hapulico là chợ thuốc phân phối các loại thuốc và TPCN lớn nhất miền Bắc.
Chia sẻ với phóng viên, chủ một quầy thuốc buôn loại thực phẩm chức năng Sữa ong chúa cho biết: “Sau khi truyền hình VTV phát thông tin sản phẩm sữa ong chúa bị bắt vì làm giả, ngay ngày hôm sau, dường như không có khách hàng nào đến hỏi về loại thực phẩm chức năng này. Thậm chí, có người hỏi thì lại lăn tăn về chất lượng …
Mặc dù có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thậm chí cơ quan chức năng cũng đã đến kiểm tra và xác minh đây là hàng thật nhưng người tiêu dùng vẫn rất hoài nghi”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong những ngày vừa qua Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra đột xuất các đơn vị sản xuất, kinh doanh xất nhập khẩu và quảng cáo thực phẩm chức năng.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại TPCN vi phạm quy định của nhà nước.
Tại thời điểm kiểm tra, Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến việc kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thực phẩm chức năng. Theo Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Quốc Chính, khi kiểm tra tại Trung tâm Phân phối Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Hapulico, đoàn kiểm tra đã phát hiện tại các quầy 344, 343 và 527, thuộc các Công ty TNHH một thành viên thương mại Top queen Việt Nam, TNHH sản xuất và thương mại Quả Táo Vàng và TNHH A Giao Đông A, đoàn thanh tra đã lấy mẫu của 4 loại sản phẩm TPCN do phát hiện thấy có nhiều dấu hiệu nghi vấn về nhãn mác không đúng theo quy định của pháp luật và đăng ký.
Các mặt hàng lấy mẫu kiểm tra bao gồm: Viên giảm cân Perfect slim USA (có hạn dùng đến tháng 12/2017), viên Audepas (viên nang cứng, có hạn dùng đến 3/2016), Viên thảo dược Ruthi, Hạt Cỏ Cà ri Fenugreek Seeds (Ấn Độ) có hạn dùng đến 20/8/2016, Acanthopanax dạng lỏng 100mg/gói có hạn dùng đến 3/7/2017.
Không chỉ có vậy, sản phẩm thực phẩm chức năng Schiff Glucosamin loại 1.800 và 1.500mg, bày bán tại quầy của Công ty Quả Táo Vàng không có tên nhà nhập khẩu trên nhãn mác, tờ hướng dẫn sử dụng ghi sản phẩm này "có tác dụng chữa mọi bệnh về thoái hóa xương khớp”, thậm chí điều trị được cả chứng tăng cholesterol.

Cục phó Cục ATTP và đội trưởng Đội 4 (PC49) đang trao đổi thông tin về vấn đề bắt giữ thực phẩm chức năng giả.
Riêng về vấn đề thực phẩm chức năng không có rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ cũng như không xuất trình được giấy tờ liên quan, ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trường Cục ATTP cho biết, dù sản phẩm đó chất lượng có tốt, đảm bảo nhưng không có hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ hợp pháp thì đó vẫn được coi là hàng giả cần thu hồi.
“Ví dụ như cùng là một loại thực phẩm chức năng, cùng một dây truyền sản xuất của công ty, nhưng do công nhân sản xuất “chui” không có giấy tờ, hóa đơn …khi bán ra thị trường vẫn bị liệt vào là hàng giả. Mặc dù chất lượng không có gì thay đổi”, ông Long ví dụ.
Lê Phương

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn