Chiều 27/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã làm việc với UBND TPHCM về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.





Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với TPHCM về an toàn thực phẩm

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được UBND TP quan tâm và chỉ đạo sâu sát, thường xuyên triển khai các hoạt động như tuyên truyền giáo dục, giám sát lấy mẫu, quản lý thức ăn đường phố…


Qua kiểm tra, thành phố đã phát hiện 8.062 cơ sở thức ăn đường phố vi phạm. Đặc biệt, kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại 2.481 trường hợp thì có đến 2.273 trường hợp vi phạm, buộc phải tiêu hủy hàng nghìn con gia cầm sống, thịt, trứng gia cầm…


Đã có 42/300 mẫu thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ các tỉnh có lượng tồn dư kháng sinh sulfadimidine, tetracycline vượt ngưỡng cho phép; 807/3.677 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ, điểm kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, siêu thị… chưa đạt các chỉ tiêu về vi sinh (salmonella, vi khuẩn hiếu khí, E.coli)…


Trong năm 2014, thành phố có 3 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với tổng số 412 người mắc, nguyên nhân chủ yếu do điều kiện chế biến chưa hoàn thiện, do phương tiện, thời gian vận chuyển và thời gian từ lúc nấu đến lúc ăn kéo dài khiến thức ăn dễ nhiễm vi sinh…


Trước kiến nghị của UBND TPHCM về việc Bộ Y tế cần ban hành quy định phải tách biệt kinh doanh phụ gia thực phẩm với kinh doanh hóa chất công nghiệp; người kinh doanh phụ gia phải có trình độ nhất định về chuyên môn để có thể hướng dẫn người sử dụng, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã có Thông tư 16 quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm với các quy định rõ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, người sản xuất, người kinh doanh…


Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận, ngành y tế chỉ có thể cấm không được dùng phụ gia công nghiệp (như hàn the…) vào chế biến thực phẩm chứ không thể cấm người kinh doanh không được bán cả phụ gia công nghiệp và phụ gia thực phẩm.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát và làm việc lại với TPHCM về vấn đề này.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề xuất nên thành lập 3 phòng thí nghiệm tại 3 chợ đầu mối của TPHCM để làm xét nghiệm đa dư lượng nhằm nâng cao ý thức của cả người bán và người mua. Đồng thời phải chấn chỉnh việc giết mổ và bán lẻ thịt gia súc, gia cầm, loại bỏ toàn bộ các bàn bán thịt bằng gỗ tại các chợ.


Bên cạnh đó, cần tăng cường hướng dẫn nông dân dùng đúng, dùng đủ thuốc bảo vệ thực vật, không được lạm dụng, tiến tới toàn bộ các loại thực phẩm đều phải đạt tiêu chuẩn VietGap.


Trước thực trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh trong thực phẩm, Phó Thủ tướng nhắc nhở: “Chúng ta không thể hài lòng vì tỉ lệ người ngộ độc thấp, bởi dù có thể không ngộ độc nhưng hàng ngày chất độc vẫn đang ngấm vào cơ thể, chúng ta đang nuôi bệnh. Nếu không làm tốt thì chi phí cho công tác điều trị bệnh sau này sẽ rất lớn”.


Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tăng cường, mở rộng kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, đặt máy xét nghiệm tại các chợ đầu mối là ảnh hưởng đến cả hệ thống dân sinh nên không thể cực đoan, thành phố cần phải làm từng bước theo lộ trình, bắt đầu từ rau củ quả, thịt tươi sống nhập về từ các tỉnh thành khác.


Việc này phải làm trên tinh thần không chỉ để đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng thực phẩm, không gây khó cho bà con nông dân mà giúp nông dân quen dần với cách làm mới, theo tiêu chuẩn mới.


An Nhiên


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn