Thời gian gần đây, điều trị ung thư bằng tế bào gốc được nói đến như một giải pháp hữu hiệu, bước đột phá trong điều trị căn bệnh nan y này. Đặc biệt sau khi một số bệnh nhân ung thư buồng trứng, ung thư vú giai đoạn cuối ở Nghệ An và Huế được chữa trị bằng phương pháp này bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế một cách tổng thể về phương pháp điều trị bằng tế bào gốc hiện nay ở Việt Nam.





PV: Mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 2 năm nay, ông có thể cho biết, điều trị bằng tế bào gốc là một phương pháp như thế nào?
TS Nguyễn Ngô Quang: Đây là một phương pháp rất mới, được ứng dụng khoảng 8 năm ở trên thế giới, đặc biệt là ở những nước phát triển. Còn ở Việt Nam mới hơn 2 năm nay. Nó được phát triển theo 2 xu hướng chính: Sử dụng sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc để làm thuốc, mỹ phẩm cho nhiều người sử dụng và y học cá thể, nghĩa là ghép tế bào gốc hoặc một sản phẩm tế bào gốc tự thân cho chính người có tế bào đó.
Ở những quốc gia phát triển thì xu hướng sử dụng tế bào gốc để làm thuốc rất phát triển. Còn châu Á và châu Úc thì xu hướng thứ 2 được tập trung phát triển hơn.
Xu hướng này được chia thành 3 nhóm chính dựa trên nguồn thu nhận tế bào gốc: Tế bào gốc từ phôi, tế bào gốc nhũ nhi (lấy từ thai, cuống rốn, máu cuống rốn) và tế bào gốc trưởng thành (thu từ cơ thể trưởng thành). Tuy nhiên, trong số 3 nhóm này, không phải nhóm nào cũng được thử nghiệm và ứng dụng bởi như lấy tế bào gốc từ phôi hiện các quốc gia đang hạn chế sử dụng do đây là vấn đề liên quan đến đạo đức nói chung, y đức nói riêng.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Sau ở Nghệ An điều trị ung thư bằng phương pháp tế bào gốc
PV: Như vậy, 2 nhóm còn lại được ứng dụng phổ biến hơn và có tương lai phát triển hơn trong điều trị, thưa ông?
TS Nguyễn Ngô Quang: Có thể nói được nghiên cứu và ứng dụng nhiều nhất hiện nay là nhóm thứ 3 - tế bào trưởng thành. Vì trong tế bào gốc trưởng thành có tế bào gốc trung mô, một trong 4 loại tế bào của nhóm này (tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc tim, gốc thần kinh, tế bào gốc vạn năng cảm ứng), có nhiều nguồn thu nhận nhất: Từ tủy xương, mô mỡ, lại dễ thao tác để lấy và đặc biệt tính an toàn và ứng dụng cao trong việc điều trị ghép tự thân.
Hiện có rất nhiều nghiên cứu đều tập trung vào tế bào gốc trung mô để điều trị khớp, liệt tủy do chấn thương, đái tháo đường và viêm tắc phổi mãn tính…
Ngay ở Việt Nam cũng vậy, cũng đang thử nghiệm lâm sàng tại các bệnh viện: Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện 115 (TP Hồ Chí Minh)... Ngoài ra, một số sản phẩm tế bào gốc trung mô còn được công nhận như một sinh phẩm để điều trị bệnh ghép chống chủ, xơ gan, bệnh lý thần kinh, nhồi máu cơ tim… Sau nhóm tế bào gốc trưởng thành thì nhóm tế bào nhũ nhi cũng đang được ứng dụng rất rộng rãi. Người ta lấy tế bào gốc từ cuống rốn, máu cuống rốn rồi lưu trữ để trong trường hợp mắc những bệnh ác tính về máu, tiểu đường, một số bệnh tự miễn thì sẽ ghép cho nhũ nhi có tế bào gốc đó để điều trị.
Tuy nhiên, cái hay nhất của nhóm tế bào gốc này là có thể sử dụng để điều trị cho những người cùng huyết thống như ông bà, cha mẹ, anh em… mà y học gọi là điều trị ghép đồng loại.
PV: Nhưng hình như điều trị một số bệnh ung thư như buồng trứng, ung thư vú vừa được coi là khả quan bước đầu vừa rồi tại Huế và Nghệ An lại không phải từ tế bào gốc trung mô?
TS Nguyễn Ngô Quang: Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã điều trị cho bệnh nhân ung thư của họ bằng tế bào gốc tạo máu, nằm trong nhóm tế bào trưởng thành.
Trong khi đó, tế bào gốc tạo máu Bộ Y tế lại cho phép áp dụng phổ biến do đã có những dấu hiệu khả quan trong điều trị. Phương pháp này không chỉ tại Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng rộng rãi.
Trong nhóm tế bào gốc trưởng thành, có hai loại là tế bào gốc tim, thần kinh (điều trị các bệnh về thần kinh, tim) và tế bào gốc vạn năng cảm ứng cũng chưa được áp dụng nhiều do tế bào gốc ở những cơ quan này rất khó phân lập đồng thời hiệu quả điều trị chưa thành công, thậm chí mang nhiều nguy cơ cho người bệnh.
PV: Là một nhà quản lý, ông có thể cho biết, phương pháp điều trị bằng tế bào gốc được thực hiện như thế nào?
TS Nguyễn Ngô Quang: Các bác sĩ điều trị sẽ lấy tế bào từ những cơ quan có thể thu nhận được như đã nói trên, sau đó cho vào thiết bị ly tâm và lọc ra tế bào gốc. Khâu này hoàn toàn là do thiết bị quyết định và phải bảo đảm vô trùng. Với tế bào gốc lấy được, sẽ truyền (hay còn gọi là ghép) vào cơ quan nhất định tùy theo bệnh chữa trị để tế bào đó sinh sôi nảy nở những tế bào mới: Trẻ, khỏe làm phục hồi, chữa trị những cơ quan bị tổn thương.
Tuy nhiên, quá trình này phải được tuân thủ như Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ khuyến cáo: Sử dụng tự thân (chỉ cá thể đã lấy tế bào gốc), sử dụng đúng loại tế bào với đúng chức năng, thao tác tối thiểu trong quá trình lấy tế bào, nghĩa là không được can thiệp, nuôi cấy… để làm biến thể tế bào về kiểu hình và hệ gien. Làm như vậy sẽ dẫn đến “lợi bất cập hại” do tế bào gốc được ghép dễ thành khu biệt so với các tế bào ở cơ quan được ghép. Ngoài ra, phải sử dụng tế bào gốc trong vòng 24 tiếng.
PV: Thưa ông, tỷ lệ thành công điều trị ung thư bằng phương pháp tế bào gốc thế nào?
TS Nguyễn Ngô Quang: Điều này chưa được đánh giá bởi cần phải có quá trình và có những tiêu chí khoa học cụ thể về chất lượng sống như thời gian sống, chỉ tiêu sinh tồn, tiêu chí đánh giá về các cấp độ đau. Yếu tố này rất quan trọng để đánh giá thành công trong trị bệnh.
Với hai trường hợp ở Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An nếu theo thông tin trên báo thời gian hồi phục sau ghép tế bào gốc tạo máu tự thân mới tính bằng tháng thì theo tôi mới chỉ là “tín hiệu”, chưa dám đánh giá điều gì. Còn đối với các bệnh khác như điều trị khớp gối, liệt tủy do chấn thương điều trị bằng tế bào gốc cho kết quả rất tốt. Nếu như sau chấn thương, tỷ lệ bị tàn phế do liệt tủy chiếm tới 90-95% thì sau khi ghép tủy, bệnh nhân hồi phục rất cao. Hay đối với bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, khi chưa có phương pháp điều trị này, bệnh nhân bị suy hô hấp, tắc nghẽn đường thở… rồi dẫn đến tử vong thì khi áp dụng ghép tế bào gốc, kết quả rất khả quan.
PV: Hiện có một số thông tin quảng cáo điều trị khỏi bệnh ung thư bằng phương pháp tế bào gốc trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Quảng cáo này theo ông có đáng tin không?
TS Nguyễn Ngô Quang: Theo tôi không nên tin vào quảng cáo của một số cơ sở, chuyên gia nước ngoài. Bởi không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, phương pháp tế bào gốc vẫn là thử nghiệm trên lâm sàng.
PV: Thế chi phí để điều trị bằng phương pháp tế bào gốc so với các phương pháp điều trị truyền thống đối với các bệnh nói chung có cao không, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngô Quang: Do là công nghệ mới và thiết bị kỹ thuật giá rất đắt nên chi phí điều trị bằng phương pháp này tất nhiên cao hơn so với các phương pháp truyền thống.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn