Những ngày đầu năm 2015, dịch tay chân miệng bất ngờ gia tăng mạnh tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trên phạm vi toàn quốc, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát trở lại ở thời điểm đầu năm.





Tiêm phòng là giải pháp tốt nhất để tạo miễn dịch cho trẻ nhỏ
10 quận, huyện có bệnh nhân tay chân miệng

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 15-1 cho biết, toàn thành phố đã ghi nhận 5 ổ dịch tay chân miệng tại 10 quận, huyện với 36 trường hợp mắc. Đáng chú ý, ổ dịch ở quận Bắc Từ Liêm có 6 bệnh nhân. Theo nhận định của Sở Y tế, mặc dù bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây nhưng tình hình bệnh trong năm 2015 sẽ diễn biến khó lường vì mầm bệnh còn đang lưu hành rộng rãi với nhiều chủng virus gây bệnh trong khi chưa có vaccine phòng và thuốc điều trị đặc hiệu.

Cũng trong ngày 15-1, thông tin về tình hình dịch bệnh mùa Đông Xuân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện đang là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, quai bị, rubella, đặc biệt là sởi phát triển và có nguy cơ bùng phát. “Rất khó tiên đoán tình hình dịch bệnh trong năm nay. Do đó, để phòng chống bệnh, cần triển khai tất cả các biện pháp. Đặc biệt, chúng tôi rất lo ngại dịch sởi có thể quay lại. Mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng và xuất hiện lẻ tẻ các ca mắc. Mới đây, theo báo cáo không chính thức từ Lào, tại các tỉnh giáp biên giới hai nước, tình hình dịch sởi rất nghiêm trọng, có khu vực số ca mắc và tử vong do sởi tăng cao. Nguy cơ bệnh lây sang nước ta hoàn toàn có thể xảy ra”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Năm 2014, dịch sởi bùng phát mạnh mẽ trong các tháng đầu năm. Ước tính, có gần 37.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó gần 6.000 ca được xác định mắc sởi và 147 ca tử vong. Đặc biệt, nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vaccine cũng mắc bệnh. Do vậy, để chủ động phòng dịch sởi quay lại trong những tháng đầu năm 2015 này, Bộ Y tế yêu cầu toàn bộ các tỉnh miền núi giáp Lào, Trung Quốc tổ chức tiêm ngay vaccine sởi - rubella đồng bộ cho trẻ từ 1-14 tuổi để tạo được miễn dịch cộng đồng tốt.

Nâng cao ý thức phòng bệnh

Với dịch bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, đây là bệnh dễ mắc và rất dễ lây lan, đặc biệt ở trẻ nhỏ, do vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. Các biện pháp phòng chống tay chân miệng hiệu quả là vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đảm bảo vệ sinh ăn uống. Đặc biệt, phải chú ý không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, thường xuyên làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt của trẻ. Cùng với đó, phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để cách ly, điều trị kịp thời… Sở Y tế Hà Nội cũng đã đề nghị các trung tâm y tế quận, huyện phối hợp với phòng giáo dục xây dựng kế hoạch liên ngành để chủ động phòng, chống dịch tay chân miệng tại các trường mầm non, mẫu giáo và cộng đồng.

Với bệnh sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để phòng bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, nếu trẻ có biểu hiện sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay kèm theo viêm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp thì nên nghĩ ngay đến bệnh sởi. Khi đó, trẻ nên được cách ly ở nhà, chăm sóc, dinh dưỡng thật tốt; hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa. Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... nên đưa trẻ đến bệnh viện để tránh biến chứng, tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh cho trẻ uống mà phải có chỉ định của bác sĩ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn