Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14-11-2011 của Bộ Y tế quy định, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền (gọi chung là phòng khám) phải bảo đảm điều kiện về quản lý, xử lý rác thải y tế. Tại Hà Nội, các phòng khám phải ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế (nằm trong danh mục chất thải nguy hại) với các đơn vị có chức năng, nếu không, Sở Y tế Hà Nội không xem xét cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, việc "hậu kiểm" chưa triệt để, khiến rác thải y tế nguy hại từ phòng khám chưa được kiểm soát chặt chẽ, trộn lẫn với rác sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dân.






Thùng đựng rác thải y tế nguy hại không có nắp đậy tại một phòng khám, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Trốn ký hợp đồng thu gom rác thải y tế nguy hại
Tại phòng khám phụ sản 88 (142 Phùng Hưng, Hà Đông), bác sĩ quản lý thừa nhận hợp đồng vận chuyển rác của phòng khám đã hết hạn từ tháng 5-2014 nhưng chưa ký lại và tỏ ra lúng túng khi... nhờ phóng viên tìm hộ công ty vận chuyển rác thải để ký hợp đồng (!). Đại diện phòng khám chuyên khoa nội tại ngõ 189 Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) phân trần, việc chưa ký hợp đồng vận chuyển rác là do người bệnh không nhiều, rác thải ít. Một phòng khám ở đường Cao Bá Quát (Ba Đình) cũng cho biết hợp đồng đã hết hạn, nhưng chưa ký lại vì rác ít, giá hợp đồng lại cao...
Tìm hiểu tại hai đơn vị thực hiện chủ yếu việc thu gom, vận chuyển xử lý rác thải y tế nguy hại của phòng khám trên địa bàn Hà Nội là Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 10 (Urenco 10) và Công ty TNHH Thương Mại và Môi trường Hồng Anh (Công ty Hồng Anh), chúng tôi được biết, có một số phòng khám ký hợp đồng để đối phó thủ tục mở phòng khám, khi hết hạn không ký tiếp hợp đồng, thậm chí, một số phòng khám còn thời hạn hợp đồng nhưng không gọi công ty xử lý rác đến thu gom. Công ty Urenco 10 cung cấp cho chúng tôi danh sách 563 phòng khám đã hết hạn hợp đồng vận chuyển rác thải y tế nguy hại từ đầu năm 2013, nhưng đến thời điểm này chưa ký lại. Đại diện Urenco 10 cho rằng: "Đơn vị xử lý rác không có thẩm quyền bắt phòng khám ký thu gom rác thải y tế nguy hại mà chỉ nhắc nhở khi hết hạn. Có thể một số phòng khám đã chuyển sang ký hợp đồng với đơn vị khác hoặc di chuyển địa điểm, đóng cửa không hoạt động, nhưng chắc chắn còn nhiều phòng khám hoạt động mà trốn ký hợp đồng thu gom rác thải y tế nguy hại. Do vậy, lượng rác thải y tế nguy hại từ các phòng khám vi phạm có thể đã được trộn với rác sinh hoạt". Căn cứ vào số liệu của hai đơn vị thu gom rác nêu trên, hiện có khoảng hơn 1.250 phòng khám chưa ký hợp đồng thu gom rác thải y tế nguy hại.
Nêu tác hại khi rác y tế bị trộn vào rác thải sinh hoạt, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, mầm bệnh sẽ lây lan trong môi trường; bơm kim tiêm dính HIV, bông băng của người bệnh viêm gan B, khiến người thu gom rác có nguy cơ bị lây nhiễm; phân của bệnh nhân chứa vi trùng tả, lỵ, thương hàn sẽ rơi vào nguồn nước, thực phẩm gây dịch bệnh; hóa chất, chất phóng xạ cũng có thể rơi ra môi trường gây nguy hiểm cho con người...
Đơn vị thu gom rác thải y tế nguy hại cũng vi phạm
Không chỉ phòng khám mà đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác cũng chưa tuân thủ quy trình thu gom rác thải y tế nguy hại. Theo phản ánh một số phòng khám, đơn vị Urenco 10 thu gom chậm, rác lưu cữu quá 48 tiếng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện, gần một năm qua, Công ty Hồng Anh ký hợp đồng thu gom rác thải y tế cho gần 100 phòng khám nhưng không vận chuyển đến tiêu hủy tại lò đốt quy định; không có chứng từ giao nhận, cho nên cơ quan chức năng không biết khối lượng chất thải nguy hại này trôi nổi đi đâu, hay đã bị trộn vào rác sinh hoạt? Làm việc với chúng tôi, Phó Giám đốc Công ty Hồng Anh Bùi Vĩnh Bảo cho biết, đơn vị đã chở kèm với rác thải công nghiệp đưa xuống lò đốt của Công ty Urenco 11 tại Văn Lâm, Hưng Yên. Tuy nhiên, phản bác ý kiến này, lãnh đạo Công ty Urenco 11 khẳng định, Công ty Hồng Anh chưa bao giờ bàn giao rác thải y tế cho lò đốt của Urenco 11. Hơn thế, Công ty Hồng Anh là đại lý thu gom rác của Urenco 11, nhưng lại tự ý ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải nguy hại với các phòng khám mà không có chữ ký chấp thuận của chủ hành nghề là Urenco 11 trên các hợp đồng. Trong khi đó, không hiểu lý do gì, Sở Y tế Hà Nội lại cấp phép mở phòng khám cho những cơ sở có hợp đồng xử lý rác không đúng quy định như vậy (!?)
Một bất cập khác trong quản lý rác thải y tế là nhiều phòng khám không phát sinh rác thải nguy hại nhưng vẫn phải ký hợp đồng xử lý rác thải nguy hại từ 4,5 triệu đồng đến năm triệu đồng/năm/phòng khám, nếu không, sẽ bị xử phạt. Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, phụ trách phòng khám 149 Phùng Hưng cho biết, những phòng khám chuyên khoa đơn giản như: khám nội, khám mắt, bắt mạch kê đơn thuốc đông y không nhất thiết phải ký hợp đồng vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại vì không phát sinh loại rác này. Đó chỉ là rác thải thông thường, không nằm trong danh mục chất thải nguy hại. Bất cập này cũng được các công ty xử lý rác thải thừa nhận và đề nghị cấp có thẩm quyền sửa Thông tư 41/2011/TT-BYT để bảo đảm công bằng.
Làm việc với chúng tôi, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, trong quá trình thanh tra, kiểm tra về quy chế chuyên môn đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có kiểm tra việc phân loại, xử lý rác thải y tế thuộc danh mục chất nguy hại. Để tránh việc các phòng khám tư nhân không ký lại hợp đồng xử lý rác thải nguy hại, Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo phòng y tế quận, huyện phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm phát hiện nhắc nhở và xử phạt đối với trường hợp vi phạm. Cụ thể, năm 2014, Thanh tra Sở và phòng y tế cấp quận kiểm tra 9.357 lượt cơ sở, xử lý 736 cơ sở, với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng, trong đó có vi phạm về thu gom rác thải y tế, hết hạn hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải... Thực tế cho thấy, các phòng khám không ký hợp đồng xử lý rác thải y tế nguy hại vẫn đang diễn ra. Đồng chí Nguyễn Việt Cường cho biết, các đơn vị thu gom, xử lý rác cần thông báo địa chỉ phòng khám không ký hợp đồng thu gom rác thải y tế nguy hại để sở xuống kiểm tra, cũng như chỉ đạo các phòng y tế quận, huyện thường xuyên kiểm tra, nhằm bảo đảm hoạt động thu gom rác thải y tế nguy hại được thường xuyên. Trao đổi với chúng tôi về vi phạm của Công ty Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN và MT Hà Nội) Ngô Thái Nam cho biết, Chi cục sẽ kiểm tra, có hình thức xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chúng tôi cho rằng, công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra hoạt động các phòng khám của cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội chưa triệt để, chưa phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan cấp phép và cơ quan xử lý rác thải. Với hơn 2.500 phòng khám, Sở Y tế có thể hậu kiểm định kỳ bằng việc tổng hợp số liệu từ các đơn vị thu gom vận chuyển rác, để đối chiếu với tổng số phòng khám đang hoạt động, từ đó sẽ biết được phòng khám nào đang trốn tránh trách nhiệm. Để bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm, dịch bệnh không lây lan, đề nghị Sở Y tế và Sở TN và MT Hà Nội cần có sự quản lý, phối hợp chặt chẽ hơn để rác thải y tế nguy hại từ các phòng khám được kiểm soát đúng quy định.
THANH QUÝ, TRUNG TUYẾN


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn