Sáng ngày 30.12, trong buổi gặp mặt báo chí tại Hà Nội, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, từ 1.1.2015, người dân bắt buộc phải tham gia Bảo hiểm y tế để được hưởng những quyền lợi mà luật pháp đã quy định.





Phát biểu tại buổi lễ, bà Hương cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn người dân thực hiện luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là một trong những điểm mới của Luật vì mục tiêu BHYT toàn dân, mỗi công dân cần có nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tham gia BHYT để góp phần đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân.
Theo đó, những quyền lợi mà người dân được hưởng khi đi khám, chữa bệnh đúng nơi quy định được BHYT thanh toán 100% chi phí đối với những người có công với cách mạng, thân nhân của những người có công với cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội, người không có khả năng lao động, người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở nơi KT-XH khó khăn, người sinh sống tại huyện đảo, trẻ em dưới 6 tuổi…
Ngoài ra, những người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục, những người khám chữa bệnh tại tuyến xã cũng sẽ được BHYT chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, người thuộc diện cận nghèo… và các đối tượng khác sẽ được giảm từ 80-95% chi phí khi đi khám chữa bệnh đúng nơi quy định.
Đối với những người tham gia BHYT nhưng khám chữa bệnh không đúng nơi quy định sẽ được BHYT chi trả 40% chi phí khi thăm khám tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh (từ 1.1.2015-31.12.2020) và 100% chi phí kể từ 1.1.2021; tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí kể từ năm 2015 và sang năm 2016 sẽ được thanh toán 100% khi tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện trong cùng địa bàn tỉnh.
Để giảm phiền hà cho người bệnh, Bộ Y tế cũng đã ra những quy định các cơ sở y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội không được quy định thêm các thủ tục hành chính nào trong khám chữa bệnh bằng BHYT. Những trường hợp cần sao chụp thẻ BHYT, giấy chuyển viện, các giấy tờ liên quan đến khám chữa bệnh của người bệnh phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp chứ không được yêu cầu hay bắt buộc người bệnh phải sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.
Riêng đối với những trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT, trường hợp không xuất trình thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi nhưng phải xuất trình được giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha mẹ phải ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định.
Về vấn đề sử dụng thuốc do BHYT thanh toán, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 40/2014/TT-BYT nhằm đảm bảo đủ thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh, đồng thời có sự cân nhắc đến yếu tố chi phí – hiệu quả và khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
Theo Thông tư số 40 thì sẽ có 111 thuốc bị ngừng cấp sổ đăng ký hoặc sổ đăng ký hết hiệu lực để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả. Bổ sung thêm 37 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau và bổ sung 22 thuốc dạng dùng và mở rộng tuyên sử dụng 77 thuốc để tạo điều kiện cho người có thẻ BHYT được tiếp cận thuốc điều trị tại tuyến y tế cơ sở như bệnh viện huyện, xã…; giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Theo motthegioi

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn