Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định về quản lý thực phẩm chức năng. Trong đó quy định rõ điều kiện sản xuất kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm chức năng (bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học, kể cả thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt – trừ sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ).





Cụ thể, việc sản xuất thực phẩm chức năng phải đảm bảo những điều kiện sau: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu sản xuất, bao bì chứa đựng và người trực tiếp sản xuất phải đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 16/2012/TT-BYTngày 22/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống Thực hành sản xuất tốt (GMP) và Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo Thông tư, cơ sở sản xuất dược phẩm đã được cấp chứng nhận Thực hành sản xuất tốt (GMP) khi sản xuất thực phẩm chức năng được miễn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Việc kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm chức năng cũng phải đảm bảo những điều kiện sau: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp kinh doanh phải thực hiện theo quy định tại các điều 4, 5 và 6 Thông tư số 16/2012/TT-BYT. Bên cạnh đó, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được bày bán riêng biệt với khu vực bày bán các loại thực phẩm khác. Nhà thuốc phải có khu bày bán riêng cho sản phẩm thực phẩm chức năng.
Thu hồi thực phẩm chức năng vi phạm quy định an toàn thực phẩm
Theo Thông tư, thực phẩm chức năng phải được thu hồi trong các trường hợp sau đây: 1- Quá thời hạn sử dụng; 2- Không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế; 3- Thông tin sản phẩm lưu thông trên thị trường không phù hợp với nội dung đã được xác nhận bởi cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc không phù hợp với nội dung Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật; 4- Lưu thông trên thị trường mà chưa có chứng nhận hợp quy hoặc xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm; 5- Khi cơ quan thẩm quyền các nước hoặc tổ chức quốc tế cảnh báo và được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định về tính không an toàn của sản phẩm.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng có trách nhiệm thu hồi và báo cáo với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không bảo đảm an toàn phải có trách nhiệm xử lý thực phẩm đó và chịu mọi chi phí cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Theo baodientu

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn