Sau quá trình thử nghiệm sản xuất tấm lợp không sử dụng amiang, các sản phẩm tấm lợp không amiang này đã và đang được sản xuất với số lượng lớn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang những thị trường khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Ai Cập…





Nhằm cung cấp thông tin khoa học về ảnh hưởng của amiang trắng đối với sức khỏe và vận động Chính phủ Việt Nam chấm dứt nhập khẩu và sử dụng amiang trắng, Nhóm Hợp tác Thúc đẩy Phát triển Chính sách Y tế dựa vào Bằng chứng Khoa học (EBHPD), Hội Y tế Công Cộng Việt Nam (VPHA), Mạng vận động chính sách cấm sử dụng Amiang trắng tại Việt Nam (Vn-BAN), Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng phối hợp tổ chức Hội thảo Cơ sở khoa học bảo vệ sức khỏe cộng đồng tránh tác hại của amiang trắng được tổ chức tại Hà Nội hôm nay, ngày 23/12.
Hội thảo kiến nghị Chính phủ cần xây dựng lộ trình tiến tới dừng sử dụng amiang trắng chậm nhất vào năm 2020 và chấp thuận đưa amiang trắng vào Phụ lục III Công ước Rotterdam tại kỳ họp năm 2015 của công ước này. Đồng thời cũng khuyến cáo trong thời gian tới cần thực hiện ngay việc dán nhãn sản phẩm nguy hiểm đối với sức khỏe trên tấm lợp có chứa amiang để đảm bảo việc công khai những thông tin liên quan sức khỏe của người tiêu dùng.
Amiang trắng (Chrysotile Asbestos) có dạng sợi, màu trắng từ lâu là nguyên liệu của nhiều sản phẩm công nghiệp như tấm lợp fibroximang (thường gọi tấm lợp bro), má phanh động cơ xe, các vật liệu bảo ôn, cách âm, cách nhiệt, vật liệu chống cháy...
Tác hại của amiang đến sức khoẻ người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi amiang, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Người tiếp xúc với amiang thường phát bệnh sau 20-30 năm tiếp xúc với amiang.
Amiang được đánh giá là chất gây ung thư nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Theo WHO, gánh nặng bệnh tật toàn cầu do amiang gây ra mỗi năm là hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống với bệnh tật. Ước tính khoảng 50% số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới có nguyên nhân liên quan tới tiếp xúc với amiang. Số người chết do ung thư phổi liên quan tới amiang là 41.000 người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Amiang là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng nhiều amiang trong quá khứ. Cũng theo WHO, năm 2008 chi phí cho các bệnh liên quan đến amiang là 2.4 tỷ USD so với 802 triệu USD giá trị kinh tế mà amiang đem lại. Rất nhiều nước đã phải trả giá và bị kiện tụng cho sự chậm trễ trong quyết định cấm sử dụng amiang trong đó có Nhật Bản, Úc, các nước trong Cộng đồng Châu Âu. Chi phí loại bỏ amiang làm sạch môi trường ở Mỹ trong 20 năm là 50 tỷ USD.
Báo cáo năm 2012 của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC Monograph 100C, 2012) kết luận: Các loại amiang, bao gồm cả amiang trắng, là tác nhân gây ung thư ở người, và khuyến nghị cách tốt nhất để phòng chống các bệnh do amiang gây ra là ngừng sử dụng tất cả các loại amiang. Ngày 1/6/2006, ILO cũng có khuyến nghị nêu rõ tất cả các loại amiang đều được phân loại là chất gây ung thư ở người.
Đã qua mốc chấm dứt 10 năm
Mặc dù amiang nguy hiểm như vậy đối với sức khỏe và Chính phủ đã đặt mốc chấm dứt sử dụng amiang trắng vào năm 2004, nhưng đến nay Việt Nam vẫn loay hoay với câu chuyện chấm dứt sử dụng amiang. Hiện ở Việt Nam đã có 41 nhà máy sản xuất tấm lợp phân bố ở 23 tỉnh thành phố với 70 dây chuyền, công suất đạt 75-100 triệu m2/năm. Việt Nam từ 10 năm nay luôn đứng trong nhóm 10 nước tiêu thụ amiang nhiều nhất thế giới. Hầu hết amiang sử dụng cho nhu cầu trong nước được nhập khẩu từ nước ngoài, trung bình hàng năm lượng amiang tiêu thụ khoảng 65.000 tấn/năm, năm 2012 là gần 79.000 tấn (đứng thứ 6), để sản xuất khoảng 80 triệu m2 tấm lợp fibroximăng cung cấp cho thị trường trong nước.
TS.BS. Trần Tuấn, chuyên gia phản biện vấn đề sức khỏe và phát triển cộng đồng nói: “Việt Nam đang đi ngược với xu hướng của thế giới là cấm hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng amiang. Kể từ năm 2001 đến nay, số nước cấm triệt để amiang trên thế giới tăng gấp 3 lần (từ 18 nước lên 54 nước). Trong khi đó Việt Nam lại tăng mức sử dụng và lùi mốc cấm từ năm 2004 (Quyết định 115/2001/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ) đến 2010, 2020, và có ý định kéo dài đến năm 2030”.
TS. BS. Nguyễn Thị Hồng Tú, hiện là chuyên gia vấn đề bệnh không lây nhiễm của tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết: “Amiang trắng đã được đề nghị xem xét đưa vào phụ lục III công ước Rotterdam tại Hội nghị năm 2013. Tại hội nghị này, 143 nước đã đồng thuận đưa amiang trắng vào Phụ lục III, chỉ còn 7 nước phản đối, trong đó có Việt Nam - nước duy nhất nhập khẩu amiang, 6 nước khác là các quốc gia xuất khẩu amiang”.
Gần đây, nghiên cứu hợp tác của Bộ Y tế Việt Nam với các viện, bệnh viện của Nhật Bản đã khẳng định phát hiện các trường hợp ung thư trung biểu mô liên quan đến amiang tại Việt Nam và báo cáo thống kê tại các bệnh viện cho thấy số lượng bệnh nhân ung thư trung biểu mô có xu hướng gia tăng.
“Điều kiện bảo hộ lao động cho người lao động tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp. Công tác giám sát sức khỏe định kỳ của người lao động trong phòng chống các bệnh liên quan đến amiang ở Việt Nam thường gặp khó khăn do thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với amiang kéo dài 20-30 năm, người lao động thường phát bệnh đã nghỉ hưu. Ngoài ra, điều đáng lo hơn là hiện còn có hàng triệu người sử dụng tấm lợp có chứa amiang (các hộ gia đình, nhất là vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo). Khi tấm lợp bị hư hại do sử dụng lâu ngày, chất thải có amiang bị thải bỏ tự do ra môi trường gây nguy hại đến sức khỏe người dân (đặc biệt đối với trẻ em). Tổn thất kinh tế trong việc bồi thường, điều trị, xử lý chất thải, chắc chắn sẽ vượt xa con số thuế mà ngành vật liệu amiang đem lại”, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
Tìm kiếm sản phẩm thay thế amiang
Ngay từ năm 2001, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Viện Công nghệ - Bộ Công Thương thực hiện một số đề tài và dự án cấp Nhà nước nhằm nghiên cứu thử nghiệm sản xuất tấm lợp không sử dụng amiang. Kết quả của các đề tài, dự án này đã được ứng dụng vào sản xuất trên quy mô công nghiệp tại Công ty CP. Tân Thuận Cường, tỉnh Hải Dương và công ty CP Nam Việt (Navifico) tại TP. Hồ Chí Minh. Các sản phẩm tấm lợp không amiang này đã và đang được sản xuất với số lượng lớn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang những thị trường khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Ai Cập…
TS. Đỗ Quốc Quang, Viện Công Nghệ - Bộ Công Thương cho biết: “Các sản phẩm tấm lợp không amiang do Tân Thuận Cường và Navifico sản xuất được bán ra thị trường với giá thành cao hơn khoảng 15-30% so với tấm lợp amiang có cùng chỉ tiêu chất lượng. Tuổi thọ của các sản phẩm này đạt tối thiểu trên 15 năm trong các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đảm bảo tính an toàn cho sức khỏe con người và môi trường vì không sử dụng các vật liệu độc hại”.
Trong hai tháng 10 và 11/2014, Nhóm EBHPD đã tiến hành điều tra cộng đồng về sử dụng tấm lợp chứa amiang và hiểu biết của người dân về amiang. Kết quả cho thấy có tới 85% các hộ gia đình có sử dụng tấm lợp chứa amiang, dùng vào nhiều mục đích: Lợp nhà, lợp khu phụ, khu chăn nuôi, làm hàng rào.., nhưng chỉ có chưa đến 5% người được hỏi biết là amiang gây độc với sức khỏe. Sau khi được tiếp nhận thông tin của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới về tác hại của amiang với sức khỏe cộng đồng, có tới 77% số hộ gia đình được hỏi cho biết sẽ không sử dụng tấm lợp chứa amiang, và chấp nhận vay vốn để mua các tấm lợp thay thế có giá cao hơn.
“Bằng chứng nghiên cứu đã rõ ràng. Một khi người dân đã biết tấm lợp có amiang có hại cho sức khỏe thì họ sẵn sàng từ bỏ sử dụng vật liệu này và chuyển đổi sang tấm lợp thay thế”, TS. Vũ Thế Long, thành viên đoàn nghiên cứu nhấn mạnh.
Hội thảo cũng đưa ra phương án xây dựng “Cộng đồng nói KHÔNG với amiang”, bắt đầu thí điểm tại 3 xã trong năm 2015. Trong đó, bước đầu tập trung cung cấp thông tin đúng, đủ cho người dân về amiang trong sản phẩm đang lưu hành. Tiếp theo, hỗ trợ chính quyền xã và người dân vay vốn thay thế tấm lợp fibroximang chứa amiang bằng các loại vật liệu an toàn khác. Hội thảo cũng nhấn mạnh phải nghiên cứu biện pháp xử lý chất thải chứa amiang, hiện không được công ty vệ sinh xếp vào nhóm rác thải, đang dần trở thành một đe dọa lớn hiện hữu cho môi trường sống nông thôn và miền núi...
Theo taichinhdientu

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn