Cho rằng nhân lực y tế ở một số trình độ, ngành đào tạo đã bão hòa, có hiện tượng trường đào tạo y dược, song cơ sở vật chất không đảm bảo, ông Nguyễn Minh Lợi, Cục phó Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, sắp tới sẽ phối hợp rà soát mạng lưới cơ sở đào tạo, đặc biệt là điều kiện đảm bảo chất lượng.





- Liên quan đến việc 22 sinh viên hệ liên thông dược tại Hải Phòng bất ngờ bị dừng thi tốt nghiệp, Bộ Y tế có ý kiến gì về việc này?
- Ngay khi nhận được thông tin trên, Bộ Y tế đã yêu cầu 2 trường báo cáo cụ thể và yêu cầu xử lý, thông báo cho công luận rõ. Theo thông tin nhận được, chúng tôi rất lấy làm tiếc vì các sinh viên nói trên có sai sót nghiêm trọng về hồ sơ, chính họ phải chịu trách nhiệm về hồ sơ của mình theo quy định của pháp luật.
Việc mở chương trình đào tạo liên thông hệ dược nói trên, 2 trường đã được sự cho phép của Bộ GD&ĐT và tuân theo quy định của Bộ. ĐH Y Dược Thái Nguyên là đơn vị tuyển sinh và cấp bằng thì phải có trách nhiệm thực hiện theo quy chế. Trước kỳ thi tuyển sinh, nhà trường có thông báo rõ ràng về điều kiện dự tuyển. Theo quy định, đối với đào tạo liên thông ngành y, dược, thí sinh dự thi sau khi tốt nghiệp 36 tháng và phải đang làm việc tại một cơ sở y tế.
Việc sinh viên không làm việc tại cơ sở y tế nhưng lại tìm cách có xác nhận để đủ điều kiện dự thi là vi phạm và phải chịu trách nhiệm về việc này. Theo tôi đây là hành vi gian lận. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục không chấp chận hành vi gian lận như vụ việc vừa qua và yêu cầu 2 trường xử lý nghiêm, đúng quy định.
Đào tạo nhân lực y tế là loại hình đặc biệt, người cán bộ không chỉ có chuyên môn giỏi mà cần có phẩm chất và ứng xử chuẩn mực. Điều này đòi hỏi không chỉ đối với việc nâng cao chất lượng quá trình đào tạo mà còn cả việc đánh giá, đảm bảo các tiêu chí đầu vào, đầu ra và sử dụng.

Ông Nguyễn Minh Lợi, Cục phó Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. Ảnh:N.Phương.
- Hiện có rất nhiều trường không chuyên sâu về y dược, nhưng vẫn tham gia đào tạo nhân lực ngành y. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?
- Hiện chưa có đánh giá, khảo sát cụ thể nào về chất lượng đào tạo nhân lực y tế của các trường đa ngành. Qua thông tin mà chúng tôi có được, đa số cơ sở này đều có quy mô đào tạo rất lớn so với điều kiện chuyên môn hiện có, như cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng dạy chuyên ngành và cơ sở thực hành ngoài trường. Đặc biệt, có cơ sở đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp được thành lập và trụ sở chính ở các tỉnh, nhưng vẫn được mở chi nhánh tại một số địa phương, thậm chí đặt ngay tại Hà Nội hoặc TP HCM.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đã và đang xây dựng tiêu chí chuyên môn để mở ngành và cách xác định chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế đối với từng ngành, từng trình độ, đề nghị Bộ GD&ĐT hiệp y, ban hành trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế cũng như sự minh bạch, công bằng giữa các cơ sở đào tạo.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Bộ Y tế cũng thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược. Mục đích là rà soát, đánh giá việc tổ chức đào tạo nhân lực y tế. Đây là việc làm rất cần thiết để đảm bảo phù hợp với quy hoạch, nhu cầu của từng khu vực, vùng miền đối với từng ngành, trình độ đào tạo.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Giáo dục để rà soát đối với các ngành, trình độ còn lại. Đặc biệt là rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như: đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực hành trong và ngoài trường, việc xác định quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh phải phù hợp với năng lực chuyên môn của từng ngành và từng trình độ đào tạo…
Chúng tôi cũng sẽ đề nghị với các cấp lãnh đạo công khai kết quả khảo sát và năng lực chuyên môn của từng trường để người học có thể lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp. Bộ Y tế không khuyến khích mở ra nhiều mà các điều kiện bảo đảm chất lượng không đáp ứng.
- Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu nhân lực ngành y hiện nay?
- Đến tháng 6/2014, cả nước có 173 cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở tất cả trình độ với 68 cơ sở ngoài công lập. Trong đó có 35 cơ sở đào tạo trình độ đại học (14 trường chuyên ngành, 21 trường đa ngành).
Với quy hoạch các trường chuyên ngành hiện nay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa nếu được sử dụng hết về cơ bản là đáp ứng được nhu cầu. Đối với trình độ trung cấp chuyên nghiệp, có sự gia tăng rất lớn về quy mô đào tạo ở các ngành điều dưỡng, y sĩ đa khoa và dược. Thống kê về chỉ tiêu tuyển sinh của riêng năm 2014 cho thấy, hệ trung cấp chuyên nghiệp có tới trên 21.000 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng trung cấp, 31.000 chỉ tiêu ngành Y sĩ đa khoa và gần 40.000 chỉ tiêu ngành Dược trung cấp.
Quy mô đào tạo trình độ trung cấp các ngành trên những năm gần đây có xu hướng tăng quá nhanh. Việc cảnh báo thừa nhân lực loại hình này trong thời gian tới không phải là không có cơ sở. Do đó, học sinh nên cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn đăng ký vào học vì nhu cầu vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp dường như đã có xu hướng bão hòa.
- Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế, thời gian tới Bộ sẽ có giải pháp gì?
- Về đào tạo, chúng tôi đang triển khai xây dựng và đề xuất các nhóm giải pháp chính như:
Từng bước hoàn thiện về hệ thống thể chế theo hướng có những quy định đặc thù đối với đào tạo nhân lực y tế như nhiều nước trên thế giới đã triển khai. Ví dụ đặc thù của ngành y luôn gắn giữa đào tạo và thực hành, đặc biệt là cơ sở thực hành ngoài trường. Thủ tướng đã giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế kết hợp giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành trong đào tạo nhân lực y tế.
Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục rà soát để thống nhất quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo; rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, tiến tới xây dựng hệ thống và tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo.
Để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện trong đào tạo nhân lực tế, Bộ Y tế đã ban hành Chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng, hộ sinh; đang xây dựng Chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa và bác sĩ răng hàm mặt, tiến tới sẽ xây dựng và ban hành các chuẩn năng lực cơ bản cho từng ngành, trình độ đào tạo còn lại để các cơ sở đào tạo có căn cứ xây dựng chuẩn đầu ra.
Về tuyển chọn, trong thời gian tới cần nghiên cứu việc tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề như nhiều nước trên thế giới đã làm.
Theo vnexpress

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn