Trình độ văn hóa thấp, không nghề nghiệp, nhưng Lê Thị Bích Hạnh và Vương Thúy Nga đã giả danh là cán bộ các bệnh viện lớn tại Hà Nội, thuê người đóng giả lãnh đạo Bộ Y tế, dàn dựng các vụ lừa đảo "chạy việc" khá hoàn hảo. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai đối tượng đã chiếm đoạt gần 6 tỉ đồng của những người có nhu cầu việc làm…





Bà mẹ 4 con có khả năng "chạy việc"
Kẻ chủ mưu trong các vụ lừa đảo xin việc làm vào các bệnh viện và đơn vị công an trên địa bàn Hà Nội vừa được Đội Chống hàng giả (Phòng PC46 Công an TP Hà Nội) điều tra, khám phá là Lê Thị Bích Hạnh (SN 1983), ĐKHK tại số 50 ngõ 158 Trương Định, quận Hoàng Mai, hiện thuê nhà tại ngách 299/48 Hoàng Mai. Học hết cấp 3, Hạnh vào Vũng Tàu lấy chồng khi mới 17 tuổi nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2004, Hạnh bỏ chồng, đưa con trai đầu ra Hà Nội. Năm 2007, Hạnh kết hôn với người chồng thứ 2, làm nghề lái xe thuê. Hai vợ chồng không công việc ổn định, lại nuôi 4 đứa con, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa đầy tháng, Hạnh khai thực hiện các vụ lừa đảo để lấy tiền chi tiêu cho gia đình.
Tại Cơ quan Công an, Lê Thị Bích Hạnh khai nhận, cô ta nảy sinh ý đồ lừa đảo "chạy việc" từ khi đi xin việc cho chồng không thành. Thông qua các mối quan hệ với các "cò" môi giới chạy việc, Hạnh tung tin cô ta là y tá của Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương, có khả năng xin việc cho những người có nhu cầu việc làm tại các bệnh viện và một số đơn vị công an cấp quận trên địa bàn Hà Nội. Cuối năm 2013, qua các mối quan hệ, anh Đoàn Văn T ở quận Đống Đa đã liên lạc với Hạnh để nhờ xin việc cho một số người quen. Từ giữa năm 2013 đến tháng 4/2014, Hạnh đã nhận của anh T tổng số 21 bộ hồ sơ xin việc với số tiền trên 3,1 tỉ đồng để lo "chạy việc" vào các vị trí y tá, điều dưỡng tại các BV tuyến Trung ương như bệnh viện Việt Đức, BV Phụ sản, BV Nhi, BV Bạch Mai và các BV đa khoa tuyến huyện trên địa bàn Hà Nội. Không những khoe có khả năng "chạy việc" trong ngành y tế, Hạnh còn nhận tiền để "chạy" vào làm kế toán một số đơn vị công an quận của Hà Nội. Mức "chi phí" từng công việc mà Hạnh yêu cầu anh T nộp cho cô ta từ 120 đến 300 triệu đồng/suất. Để tạo niềm tin, mỗi lần nhận tiền, Hạnh đều làm giấy biên nhận và cam kết trong thời gian 3 tháng sẽ lo xong việc, nếu không sẽ trả lại tiền và còn bồi thường thêm 10% tiền đặt cọc. Mọi giao dịch nhận tiền giữa Hạnh và anh T đều được thực hiện tại các quán cà phê.
Sau mỗi cuộc giao dịch, Hạnh mang tiền gửi ngay vào ngân hàng lấy lãi. Để tạo niềm tin với những người xin việc, Hạnh đi khắc con dấu vuông có chữ "Phòng Kế hoạch tổng hợp - Sở Y tế" đóng dấu vào các bộ hồ sơ, 1 con dấu có chữ "Điều dưỡng trung cấp" đóng dấu vào một số áo blu trắng, phát cho những người xin việc. Cô ta nói đó là áo của các BV phát trước cho nhân viên, khi nào gọi thì đến làm việc.

Lê Thị Bích Hạnh và Vương Thúy Nga tại cơ quan Công an.
Để những người xin việc tin tưởng hoàn toàn, Hạnh đi tìm "diễn viên" giúp cô ta thực hiện các màn kịch "thi công chức". Trong một lần đi ăn cháo lòng cùng bạn, thấy bà chủ quán Vương Thúy Nga (SN 1975) ĐKHK tại 86 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai; hiện ở ngõ 34 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thuộc dạng mau mắn, ăn nói trôi chảy, có khả năng "diễn" đạt, mấy hôm sau Hạnh quay lại "mời" Nga cộng tác. Theo kịch bản do Hạnh làm "đạo diễn", tháng 4/2014, Nga vào vai "cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Phụ sản Trung ương". Hạnh đưa cho Nga 4 bộ hồ sơ thi tuyển công chức, trong đó có giấy đề "Trả lời câu hỏi" để trống rồi hướng dẫn Nga đi lên hành lang tầng 4 khu nhà hành chính BV Phụ sản Trung ương. Còn Hạnh đứng ngoài cổng BV, hướng dẫn từng "thí sinh" lên gặp Nga để ghi tên, số báo danh và ký vào bài thi. Cũng theo kịch bản của Hạnh, mỗi lần gặp "thí sinh", Nga đều rỉ tai: "Các em là trường hợp đặc biệt, không phải thi, phần trả lời và kết quả chị sẽ lo. Cứ yên tâm về nhà, khi nào gọi thì đi làm". Sau khi cho "thí sinh" ký giấy tờ, Nga còn yêu cầu mỗi người nộp thêm 500.000 đồng lệ phí "thi tuyển".
Sau màn "thi chui" như trên, Hạnh tiếp tục nghĩ ra chiêu cho thí sinh đi học lớp đào tạo chuyên sản 3 tháng. Cô ta yêu cầu mỗi người nộp 6 triệu đồng rồi phát cho một tờ phiếu thu tiền đi học. Tuy nhiên, thực tế không ai được đi học mà Hạnh giải thích đó chỉ là "thủ tục" trước khi đi làm chính thức. Cao tay hơn, mỗi tháng Hạnh phát cho mỗi người 1 triệu đồng, nói đó là 70% lương tháng thử việc.
Với một số trường hợp xin việc khác, Hạnh thay đổi "kịch bản", nói đã gửi hồ sơ đến Sở Nội vụ để duyệt thi công chức. Hạnh bố trí cho Nga "lọt" vào sân trụ sở Sở Nội vụ. Nhiệm vụ của Nga là đi loanh quanh trong sân đợi Hạnh ở ngoài "thả" con mồi vào gặp. Nga tự xưng là cán bộ Sở Nội vụ, vỗ vai người xin việc động viên "yên tâm, chị sẽ lo thủ tục tuyển công chức cho các em, cứ về nhà đợi, khi nào chị gọi thì đi làm".
Bằng các màn kịch trên, Hạnh và Nga đã lừa được những "thí sinh" có nhu cầu xin việc làm còn ít tuổi, chưa va chạm tin tưởng rằng họ đã được lo lót, chạy chọt các thủ tục thi tuyển công chức, không phải thi vẫn đỗ.
Thuê "xe ôm" đóng giả thứ trưởng
Về phía đối tượng Vương Thúy Nga. Tuy học hành ít nhưng với khiếu ăn nói giảo hoạt, sau khi làm tròn vai diễn và được Lê Thị Bích Hạnh trả công 200.000 đồng/lần diễn, Nga nhận thấy việc lừa đảo việc làm quá dễ và có thể kiếm được nhiều tiền. Từ tháng 4/2014, Nga cắt liên lạc với Hạnh rồi chủ động gặp anh Đoàn Văn T. Nga nói với anh T rằng Hạnh là kẻ lừa đảo, còn Nga mới là cán bộ BV Phụ sản Trung ương thật. Nga khoe rất thân với Thứ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc BV, có thể xin việc vào bất cứ BV nào và các cơ quan Nhà nước.
Thấy anh T còn phân vân, ngày 22/6/2014, Nga thuê một người phụ nữ ở cổng BV Phụ sản Trung ương đóng giả là "Hà", thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế để cùng Nga đi gặp anh T tại một quán cà phê trên phố Quán Sứ. Tại cuộc gặp, theo hướng dẫn của Nga, người phụ nữ trong vai thư ký thứ trưởng "chém" rằng nếu anh T muốn thì cô ta sẽ lo cho anh T vào làm ở bệnh viện nào cũng được. Cô ta còn nói thứ trưởng có 2 thư ký, người còn lại là nam giới tên Quỳnh nhưng không được lãnh đạo tin tưởng bằng cô ta. Nghe 2 người phụ nữ "chém gió" một hồi, anh T tin tưởng và phấn khởi đến mức đưa ngay cho Nga 100 triệu đồng để giúp đỡ "chạy việc" mà không cần giấy biên nhận. Sau phi vụ này, Nga trả công cho người phụ nữ đóng vai thư ký thứ trưởng 1 triệu đồng.
Sau lần gặp trên, anh Đoàn Văn T thu gom hồ sơ xin việc để chuyển cho Vương Thúy Nga. Không yêu cầu người xin việc phải nộp "một cục" như Lê Thị Bích Hạnh, Nga đề nghị mỗi người xin việc phải đặt cọc trước từ 25 đến 50 triệu đồng. Do số tiền đặt cọc không quá lớn nên rất nhiều người thông qua anh T đã nộp hồ sơ và tiền cho Nga. Từ tháng 4 đến tháng 7/2014, Nga đã nhận của anh T 39 bộ hồ sơ cùng số tiền gần 1,5 tỉ đồng.
Vương Thúy Nga khai do lừa đảo việc làm vừa dễ, lại được quá nhiều tiền, cô ta bỏ luôn quán cháo lòng để dành thời gian cho công việc mới. Nga mua 2 sim điện thoại mới, để phục vụ cho việc đóng kịch. Theo đó, cô ta cung cấp một số điện thoại đầu 098… cho anh Đoàn Văn T, nói đó là số máy của Thứ trưởng Bộ Y tế. Nga dặn nếu anh T muốn gọi điện cho thứ trưởng thì phải sau 20 giờ hàng ngày vì lãnh đạo bận rất nhiều việc. Còn một số điện thoại khác, Nga nói đó là của giám đốc BV Phụ sản Trung ương. Nga ra cổng BV Phụ sản Trung ương, thuê một người đàn ông trên 50 tuổi hành nghề "xe ôm" đóng giả thứ trưởng và giám đốc bệnh viện. Trước mỗi phi vụ lừa đảo, Nga giao điện thoại cho bác tài "xe ôm" điện thoại và dặn dò kỹ phần "lời thoại" để diễn cho đạt.
Tại các cuộc gặp gỡ giữa Nga và anh T tại một quán càphê trên phố Dã Tượng, theo kịch bản, bác tài "xe ôm" đóng vai Thứ trưởng Bộ Y tế gọi điện thoại cho Nga. Thấy Nga được "thứ trưởng" trực tiếp gọi điện thoại và trò chuyện thân mật, anh T tin rằng Nga đúng là người "tâm phúc" của thứ trưởng. Không những thế, Nga còn dặn bác "xe ôm" nếu thấy số điện thoại của anh T gọi đến thì giới thiệu: "Chú là thứ trưởng, nếu cháu có nhu cầu xin việc thì cứ làm việc với cô Nga là người thân cận của chú". Sau đó, Nga lại thu điện thoại đã đưa cho bác “xe ôm” để quản lý, đóng giả thứ trưởng nhắn tin cho anh T trao đổi về các trường hợp đã gửi hồ sơ. Tổng cộng Nga đã trả công cho người "xe ôm" đóng giả thứ trưởng 5 triệu đồng.
Để củng cố niềm tin với anh T, Nga thuê làm 35 chiếc thẻ là nhân viên, bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên các bệnh viện và cơ quan nhà nước, trên đó in ảnh, tên tuổi, chức danh và nơi công tác đúng theo hồ sơ của người xin việc, giao cho anh T. Trong số thẻ này, Nga làm riêng cho anh T một thẻ đề chức danh "trợ lý cục phó".
Cũng giống như Hạnh, sau khi nhận tiền, Nga đã ném các hồ sơ xin việc vào… sọt rác. Còn số tiền gần 1,5 tỉ đồng đã bị người đàn bà có máu đỏ đen này trả nợ và đánh lô đề hết sạch. Riêng Lê Thị Bích Hạnh đã trả lại cho anh T gần 1,7 tỉ đồng, hiện còn chiếm đoạt trên 1,4 tỉ đồng không có khả năng thanh toán. Tại Cơ quan Công an, Hạnh khai đã dùng số tiền này trả nợ và ăn tiêu hết. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Thị Bích Hạnh, Cơ quan điều tra đã thu giữ 2 hộp khắc dấu, 9 điện thoại di động và 1 cặp tài liệu giấy tờ liên quan đến việc nhận tiền, xin việc... Trong đó có nhiều giấy có nội dung "Quyết định điều chuyển nhân sự", "Quyết định bổ nhiệm nhân sự", "Bản cam kết" đối với nhân viên mới của các bệnh viện… đã được soạn thảo sẵn, ký tên và đóng dấu vuông.
Ngày 20/11 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Vương Thúy Nga về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Đối với Lê Thị Bích Hạnh do vừa sinh con nhỏ nên cơ quan áp dụng biện pháp ngăn chặn khác để điều tra, xử lý.
Theo Hương Vũ/CAND Online

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn