Các quy định liên quan đến cùng chi trả, phân tuyến, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là những nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm





Sáng 10-12, Báo Người Lao Động đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến“Luật BHYT: Những đổi mới mạnh mẽ”. Nhiều chuyên gia đến từ Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và đại diện các bệnh viện (BV) đã trực tiếp trả lời các câu hỏi do bạn đọc gửi đến.
Phải tham gia BHYT cả hộ gia đình
Theo quy định của Luật BHYT (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, người dân khi tham gia BHYT phải tham gia cả hộ gia đình. “Theo quy định mới, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú cùng tham gia BHYT. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng chỉ khi ốm và chỉ những người ốm trong hộ mới tham gia BHYT” - ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam - giải thích. Trả lời câu hỏi của bạn đọc Minh Hoàng (Đồng Nai) về các ưu đãi khi tham gia BHYT cả hộ, ông Sơn nêu rõ mức BHYT người dân phải đóng là 4,5% mức lương cơ sở đối với người đầu tiên trong hộ tham gia BHYT; lần lượt 70%, 60%, 50% đối với người thứ 2, 3, 4; 40% đối với người thứ 5 trở đi.


Đăng ký khám BHYT tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM)

Một thay đổi được khá nhiều người dân quan tâm là việc mở rộng đối tượng được chi trả 100%. Theo đó, quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ... sẽ được bãi bỏ. Người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền khám chữa bệnh trong năm không quá 6 tháng lương cơ sở cũng được hỗ trợ 100% chi phí.
Vượt tuyến: “Siết” ngoại trú, ưu đãi nội trú
Khá nhiều bạn đọc đặt ra các vấn đề liên quan đến việc chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu lên tuyến trên vốn là bài toán khó đối với các BV và cơ quan BHYT. Trước nhiều câu hỏi nêu ý muốn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BV Chợ Rẫy, ThS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính BV Chợ Rẫy, cho biết là một BV tuyến trung ương, Chợ Rẫy chỉ tiếp nhận những trường hợp chuyển viện từ các tuyến trước lên nhưng con số bệnh nhân BHYT đã lên đến 60% và đang trong tình trạng quá tải nên không thể nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.

Để kiểm soát lại vấn đề vượt tuyến, luật mới cũng đưa ra các quy định đối với trường hợp người dân tự vượt tuyến. “Khi khám chữa bệnh đúng tuyến thì quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức: 100%, 95%, 80% tùy theo nhóm đối tượng, cơ sở khám chữa bệnh. Riêng trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, để tránh tình trạng quá tải tuyến trên, lần này luật không thanh toán cho khám chữa bệnh ngoại trú” - bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết. Tuy nhiên, những ưu đãi dành cho đối tượng điều trị nội trú vượt tuyến lại được nâng lên khá nhiều, với lý do người bệnh phải điều trị nội trú thường mang bệnh nặng, cần được ưu tiên về điều kiện chữa trị. Theo quy định mới, người điều trị nội trú trái tuyến sẽ được chi trả lần lượt 40%, 60%, 70% lần lượt đối với BV tuyến trung ương, tỉnh - thành, quận - huyện. Mức chi trả sẽ lên đến 100% ở BV tuyến quận - huyện từ ngày 1-1-2016 và BV tuyến tỉnh - thành từ ngày 1-1-2021.
Theo nld

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn