Các đại biểu dự diễn đàn "Bảo vệ người lao động ngành y, chống bạo hành trong bệnh viện" do Bộ Y tế và Báo Lao động tổ chức sáng 9-12 vừa qua đều khẳng định nhu cầu được hành nghề khám, chữa bệnh trong điều kiện an toàn của thầy thuốc và nhân viên y tế là chính đáng và vô cùng cấp thiết. Ðó cũng là đòi hỏi từ chính người bệnh.





Tình trạng hành hung nhân viên y tế đang gia tăng và ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều cơ sở y tế, với mức độ bạo hành ngày càng có khuynh hướng táo tợn và nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần thậm chí cả tính mạng của nhân viên y tế. Từ năm 2013 đến nay, thống kê sơ bộ đã có khoảng 14 vụ việc lớn liên quan đến hành hung nhân viên y tế. Những vụ việc trên chỉ là một phần của tảng băng trong bức tranh về sự gia tăng nạn bạo hành trong bệnh viện. Bên cạnh đó là nạn trộm cắp, lừa đảo, cò mồi, giả danh nhân viên y tế, bắt cóc, gây rối, đập phá cơ sở y tế cũng đang tồn tại..., ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh và gây tâm lý hoang mang, lo lắng đối với cán bộ y tế.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: Nguyên nhân chính là sự xuống cấp đạo đức xã hội, sự manh động của một số đối tượng, là cấu trúc hạ tầng an ninh bệnh viện chưa bảo đảm..., khung pháp lý chưa đủ sức răn đe. Ðó còn là do tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc trong giao tiếp, ứng xử chưa cao. TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, nguyên nhân ban đầu phổ biến nhất là sự hiểu nhầm của người nhà người bệnh với nhân viên y tế. Khi người bệnh nhập viện, cùng một mối quan tâm là sức khỏe của người bệnh, nhưng cách biểu hiện ra bên ngoài của bác sĩ và người nhà người bệnh nhiều khi không gặp nhau. Bác sĩ muốn chẩn đoán bệnh kỹ nhất, chính xác nhất và đúng quy trình chuyên môn, nhưng người nhà người bệnh thì lại thường chỉ quan tâm đến việc bác sĩ phải nhanh trả lời kết quả, phải khẳng định ngay xem bệnh nặng hay nhẹ, có nguy hiểm hay không... Vì thế, đôi khi người nhà cho rằng bác sĩ thờ ơ, tắc trách và dẫn đến hành vi không đúng mực.
Tai biến y khoa thường gây ra sự bất bình dư luận lớn hơn so với rủi ro nghề nghiệp trong các ngành nghề khác. Ðó cũng là vấn đề quan tâm toàn cầu, có thể xảy ra ở mọi lúc mọi nơi. Các khu vực hay xảy ra sai sót, tai biến y khoa thường là ở khoa ngoại, khoa cấp cứu, hậu phẫu, nơi lần đầu áp dụng kỹ thuật mới... Mọi bác sĩ khi quyết định chọn nghề y, khi vào bệnh viện công tác đều vì mục tiêu, lý tưởng phục vụ, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, phần lớn các thầy thuốc phải làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khó khăn, áp lực quá tải rất lớn. Tất cả các quy chế, quy trình chuyên môn của bệnh viện cũng đều hướng đến bảo đảm an toàn cho người bệnh. Song thực tế tai biến, rủi ro trong y khoa luôn tiềm ẩn, khó tránh khỏi mà chỉ có thể hạn chế đến mức thấp nhất mà thôi.
Các chuyên gia đã chỉ rõ, để bảo vệ nhân viên y tế, cần tập trung giải quyết hai vấn đề cốt lõi là hoàn thiện hành lang pháp lý, có những quy định chặt chẽ hơn và hạn chế thấp nhất những tai biến y khoa. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, về mặt chủ quan, trước hết người bác sĩ cần nâng cao tính chuyên biệt, coi người bệnh là trọng tâm; giỏi về chuyên môn chưa đủ mà còn cần có các kỹ năng mềm khác, người bác sĩ không phải chỉ điều trị mà còn là chăm sóc người bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế cần xây dựng và công bố các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến an ninh, an toàn bệnh viện, hoàn thiện các văn bản pháp lý bảo vệ người thầy thuốc, chấn chỉnh nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kiểm tra giám sát... Việc phòng, chống bạo hành cần lấy phòng ngừa là chính, trước hết là chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về y tế để người dân hiểu sâu hơn nữa quy trình cũng như thủ tục khám, chữa bệnh nhằm tránh những bức xúc không đáng có của người dân. Cần có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và đồng bộ về vấn đề này, trong các văn bản cần quy định rõ về vấn đề an ninh, trật tự trong khu vực bệnh viện, về vấn đề bảo vệ tài sản bệnh viện, vấn đề sức khỏe, tính mạng của cán bộ y tế...
Ngành y tế cũng mong muốn dư luận, người dân cần có cái nhìn khách quan, chính xác hơn với người làm nghề y, với các y, bác sĩ ngay cả khi xảy ra sự cố. Bởi thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra có đến hơn 60% các sự cố chuyên môn trong các bệnh viện không phải do lỗi trực tiếp của bác sĩ mà do rất nhiều yếu tố cấu thành. Theo GS, TS Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để hạn chế được tai biến thì điều quan trọng "trước hết là không gây hại, không để sai sót"; thứ hai là biết lấy người bệnh làm trung tâm, biết giao tiếp ứng xử. Cuối cùng, sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe là sự nghiệp của toàn dân, mọi người cùng có trách nhiệm giúp đỡ, chia sẻ.
Luật sư Trần Quang Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Hùng Vương cho rằng, chính sách pháp luật của Ðảng và Nhà nước hiện nay đã quy định rất chi tiết và đầy đủ. Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể cho những hành vi gây rối, hành hung bác sĩ tại bệnh viện. Các hành vi bạo hành tại các bệnh viện đủ để cấu thành tội gây rối trật tự công cộng hoặc cố ý gây thương tích. Các bệnh viện cần tìm cho mình một luật sư có trình độ để dễ dàng trong việc xử lý khi xảy ra các vụ việc. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để luật sư có thể hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của nhân viên y tế.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn