Nạn hành hung y bác sĩ ở nước ta đang gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng. ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho rằng, thực trạng này xuất phát từ sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự manh động của một số đối tượng, một phần cũng do tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc... chưa cao.





Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ ở khoa Cấp cứu - BV Bạch Mai
Chủ yếu do… hiểu nhầm

Với tư cách là một bác sĩ hàng ngày phải làm việc ở khu vực được coi là “điểm nóng”, nơi dễ xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân hàng hung bác sĩ nhất của bệnh viện, TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Trong các vụ hành hung, nguyên nhân phổ biến nhất là sự hiểu nhầm của người nhà bệnh nhân với y bác sĩ. Khi bệnh nhân nhập viện, bác sĩ muốn chẩn đoán bệnh kỹ nhất, chính xác nhất, đúng quy trình chuyên môn nhưng người nhà bệnh nhân lại thường quan tâm đến việc bác sĩ phải nhanh trả lời kết quả, phải khẳng định ngay xem bệnh nặng không, nguy hiểm không…”.

“Cùng một mối quan tâm là sức khỏe của người bệnh nhưng cách biểu hiện ra bên ngoài của bác sĩ và người nhà bệnh nhân nhiều khi không gặp nhau. Trong khi người nhà bệnh nhân thường bị cuống, sốt ruột thì bác sĩ cần cố gắng bình tĩnh để chẩn đoán chính xác. Vì thế, đôi khi người nhà bệnh nhân hiểu nhầm là bác sĩ thờ ơ, tắc trách và có hành vi không đúng mực” - bác sĩ Chi phân tích.

Người bệnh nên chia sẻ hơn với bác sĩ

Để khắc phục, hạn chế tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện như thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, trước hết mỗi bác sĩ phải nâng cao tính chuyên nghiệp, coi người bệnh là trung tâm. Một bác sĩ chỉ giỏi về chuyên môn chưa đủ mà còn cần có các kỹ năng mềm khác, bởi họ không phải chỉ điều trị mà còn chăm sóc cho bệnh nhân… Nhưng quan trọng hơn, dư luận, người dân cũng nên có cái nhìn khách quan, chính xác hơn với người làm nghề y, với các y bác sĩ ngay cả khi xảy ra sự cố liên quan đến người nhà của mình. Thực tế, có đến hơn 60% các sự cố chuyên môn trong các bệnh viện xảy ra không phải do lỗi trực tiếp của bác sĩ mà do rất nhiều yếu tố cấu thành, do lỗi hệ thống.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phân tích, tai biến y khoa, rủi ro nghề nghiệp với ngành y khó tránh khỏi. Ngay ở Mỹ, thống kê cho thấy mỗi năm có đến 120.000 người chết do các sai sót trong y khoa, trong đó 30% do lỗi của cá nhân y bác sĩ và 70% do lỗi hệ thống. Nếu chúng ta không có cái nhìn khách quan, quy chụp cho cá nhân là điều không đúng. Cũng theo GS Trần Quỵ, căn nguyên của việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ là do họ bị bức xúc hoặc có thể do sai sót của chính bác sĩ. Để hạn chế được thì điều quan trọng “trước hết là không để sai sót”, thứ hai là bác sĩ phải biết lấy người bệnh làm trung tâm, biết giao tiếp ứng xử và cuối cùng, sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe là sự nghiệp của toàn dân, cần được nhân dân chia sẻ.

GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, để không còn nạn hành hung bác sĩ thì quan trọng là cần sự thông cảm, chia sẻ, nhận thức đúng của nhân dân, người nhà bệnh nhân với ngành y, với y bác sĩ. Các y bác sĩ cũng cần phải được đào tạo pháp lý y khoa để có kiến thức đầy đủ hơn, cư xử đúng mực hơn với người nhà bệnh nhân cũng như có các kỹ năng để giải quyết mâu thuẫn.
Theo anninhthudo

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn