Bộ Y tế cho biết, dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm thuộc nhóm A, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh dịch hạch được mệnh danh là "cái chết đen", vì người bệnh khi qua đời cơ thể thường đen sì. Điều đáng lo ngại là, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 3 tháng qua tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Trước đó cũng đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch thể phổi tại Mỹ và một trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Tại Việt Nam, 12 năm trở lại đây không ghi nhận trường hợp mắc bệnh dịch hạch.





Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá, trong bối cảnh các hoạt động thương mại và du lịch toàn cầu hóa, chuột mang mầm bệnh có thể theo các phương tiện vận chuyển hàng hóa và du lịch như tàu biển, tàu hỏa, ô tô, máy bay… xâm nhập vào Việt Nam.

Đặc biệt, ở Trung Quốc, quốc gia có hơn 1.300km đường biên giới với Việt Nam vẫn tồn tại các ổ dịch hạch trên các loài động vật hoang dã trong thiên nhiên. Vì vậy, dịch bệnh này trên động vật có thể theo chuột và bọ chét từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam.

Diệt chuột và bọ chét để phòng chống bệnh dịch hạch.
Trước tình hình trên, ngày 5-12-2014, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động phòng chống bệnh dịch hạch.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các đơn vị có các phương tiện giao thông vận tải nhập cảnh, đặc biệt là các phương tiện vận tải đường biển đến từ các quốc gia có bệnh dịch hạch lưu hành phải chủ động khai báo, thông báo cho các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế biết về tình hình vệ sinh, sự xuất hiện của chuột, bọ chét trên các phương tiện vận tải người, hàng hóa để thực hiện tốt việc kiểm tra, xử lý y tế trước khi nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị quản lý tàu thuyền chấp hành đúng các quy định của kiểm dịch y tế về việc bảo đảm vệ sinh tàu thuyền. Theo đó, các đơn vị chủ động kiểm tra, phát hiện và tổ chức tiêu diệt chuột, bọ chét trên các phương tiện giao thông vận tải, đặc biệt là các phương tiện đường biển, đường sắt, đường bộ và tại các kho hàng, bến bãi để hạn chế nguy cơ lây lan mầm dịch bệnh hạch từ chuột, bọ chét sang người. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cho các người điều khiển phương tiện và cán bộ lao động trên các phương tiện giao thông vận tải hàng khách, hàng hóa biết về các triệu chứng bệnh dịch hạch và các biện pháp phòng chống để chủ động liên hệ với các đơn vị y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh và phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống bệnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch trên các phương tiện vận tải hàng hóa đi về từ vùng có dịch bệnh. Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát chủ động bệnh dịch hạch trên người và chuột, bọ chét tại các vùng giám sát trọng điểm và khu vực tập trung đông người đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao (như: khu vực cảng, sân bay, cửa khẩu, kho chứa lương thực, khu chăn nuôi, chợ, nơi có dịch lưu hành cũ); chủ động theo dõi, lấy mẫu bệnh phẩm để phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện để phục vụ công tác phòng chống dịch khi có dịch xảy ra…

Trước đây, biện pháp phòng, chống dịch hạch có thể được thực hiện theo cách gây miễn dịch bằng vắc-xin vi khuẩn chết và vắc-xin giảm độc lực. Tuy nhiên, hiệu lực của vắc-xin thấp, thời gian miễn dịch ngắn và không phòng được dịch hạch thể phổi. Vì vậy, việc phòng, chống dịch hạch, chủ yếu là giám sát vật chủ và vi sinh vật, phát hiện sớm bệnh nhân và điều trị kịp thời bệnh nhân dịch hạch, điều trị dự phòng với những người tiếp xúc và có nguy cơ lây bệnh, trong đó diệt chuột và diệt bọ chét, là một biện pháp rất quan trọng. Còn tại những vùng có dịch lưu hành cũ hoặc có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập (kho tàng, bến bãi tại các cửa khẩu, cảng biển, ga…) thì tiến hành diệt chuột đại trà bằng các hóa chất đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) cấp giấy chứng nhận cho phép.
Theo qdnd

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn