Chiều 2-12, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Dịch hạch được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1898 tại Nha Trang. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh dịch hạch trên người.





Tuy nhiên, Việt Nam là nước đã từng lưu hành bệnh dịch hạch; đồng thời sự lưu hành các loài chuột là khá phổ biến. Bên cạnh đó, chuột mang mầm bệnh có thể theo các phương tiện vận chuyển hàng hóa và du lịch như tàu biển, tàu hỏa, ô-tô... xâm nhập và lây bệnh cho các loài gặm nhấm và người. Vì vậy, bệnh dịch hạch có thể xâm nhập vào Việt Nam.
Tháng 11-2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo về dịch hạch xảy ra tại Madagascar và đến ngày 16-11 đã ghi nhận 119 trường hợp mắc, trong đó có 40 trường hợp tử vong (chỉ 2% các ca bệnh là thể phổi). Ngoài ra, tại Trung Quốc ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc.
Tại Mỹ ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (trong đó có 3 trường hợp có triệu chứng viêm phổi và 1 trường hợp không rõ triệu chứng) tại hạt Adam, bang Clorado. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm gây dịch tại Việt Nam năm 2014, trong đó có bệnh dịch hạch...
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu: Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần tăng cường cảnh giác và ngăn chặn bệnh dịch hạch xâm nhập vào Việt Nam. Các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát đối với sự lưu hành của chuột, bọ chét; rà soát trang thiết bị, thuốc men, hóa chất diệt chuột, bọ chét.
Bộ Y tế có hướng dẫn chi tiết về các biện pháp diệt chuột đối với cảng biển, tàu biển; đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế tại các địa phương về qui trình xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh dịch hạch. Hệ thống điều trị cần rà soát, cập nhật lại phác đồ điều trị cho phù hợp với tình hình hiện nay. Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các ca bệnh đầu tiên nếu có...
Theo cadn

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn