Việc nung nấu chì một cách thủ công của rất nhiều hộ dân tại thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) suốt thời gian dài đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu mới nhất do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho thấy, trên toàn địa bàn huyện Văn Lâm hiện có khoảng 300 trẻ nhỏ bị nhiễm độc chì.







Những trẻ em thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo) phải sống chung với môi trường độc hại từ nhiều năm nay. Ảnh: T.G

Biết độc hại vẫn làm
Theo số liệu nghiên cứu mới nhất do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường vừa công bố, trên địa bàn thôn Đông Mai hiện có tới 300 trẻ bị nhiễm độc chì (nồng độ chì trong máu cao gấp 3 - 4 lần mức độ cho phép). Đây thực sự là một con số đáng báo động tới người dân cũng như các cơ quan chức năng.
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện trên, PV Báo GĐ&XH đã tìm về thôn Đông Mai để ghi nhận tình hình. Trao đổi với PV, ông Lê Huy Gương- Trưởng thôn Đông Mai cho biết, sản xuất chì vốn là nghề truyền thống của làng từ xa xưa. Đấy được xem là nguồn thu nhập chính của người dân ngoài công việc đồng áng. Trước đây, do kinh tế khó khăn, khoa học kĩ thuật còn hạn chế nên hầu hết các hộ sản xuất, tái chế chì đều thực hiện thủ công ngay trong khu dân cư. Theo năm tháng, số hộ dân làm nghề sản xuất chì có dấu hiệu giảm dần.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Khuất Duy Thông- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm cho biết, việc nhiễm độc chì gây nên rất nhiều tác hại tới sức khỏe của con người, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Lượng chì trong máu cao khiến cho trẻ em chậm phát triển, nếu không được chữa trị kịp thời lâu ngày thần kinh sẽ bị ảnh hưởng.
Kết quả khảo sát năm 2012 (cũng của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường) cho thấy: 109 trẻ dưới 10 tuổi được xét nghiệm ở thôn Đông Mai thì tất cả có hàm lượng chì trong máu vượt quá mức quy định (mức quy định: 10Mg/dl). Trong 24 bé sau đó được xét nghiệm lại máu tĩnh mạch, kết quả có 2 trường hợp có hàm lượng chì máu ở mức nguy hiểm, 17 trường hợp ở mức báo động, 4 trường hợp ở mức cao, 1 trường hợp ở mức ranh giới. Nhiều cháu mới 2 - 3 tuổi có hàm lượng chì trong máu mức đáng báo động như cháu L.N.C - hàm lượng chì trong máu gấp hơn 7 lần mức cho phép. Bé gái L.P.L 4 tuổi, có hàm lượng chì trong máu là 73,16 Mg/dl, thuộc mức nguy hiểm, có nguy cơ tổn thương thần kinh cao, đã phải nhập viện điều trị bằng thuốc thải chì truyền tĩnh mạch.
Mặc dù sống trong môi trường độc hại nhưng trước đây người dân thôn Đông Mai vẫn chưa nhận thức được đầy đủ nhất những tác hại do khói bụi chì gây ra. Con số hàng trăm trẻ bị nhiễm độc chì mới đây được công bố, những kiến thức về tác hại của nó ảnh hưởng tới sức khỏe con người được tuyên truyền rộng rãi thì người dân địa phương mới thực sự cảm thấy lo lắng.
Nhiều biện pháp đang được thúc đẩy

Ông Khuất Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm trao đổi với PV.
Mới đây trong Hội thảo “Giảm thiểu nguy cơ sức khỏe từ môi trường làng nghề” do Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng tổ chức tại Ba Vì (Hà Nội) một lần nữa tình trạng trẻ bị nhiễm độc chì quá cao ở thôn Đông Mai lại được nhắc tới. Trước những con số đáng báo động trong nhiều năm trở lại đây ở thôn Đông Mai, các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên cũng như huyện Văn Lâm đã khẩn trương bắt tay vào việc thúc đẩy các biện pháp khắc phục. Trong tổng số hơn 30 hộ dân còn sản xuất chì thủ công tại thôn Đông Mai hiện nay thì đã có hơn 20 hộ di dời địa điểm ra xa khu dân cư. Hai đơn vị đứng ra quy tập các hộ sản xuất chì nhỏ lẻ là Công ty Ngọc Thiên và Hiệp hội Làng chì xã Chỉ Đạo. Tại hai khu tập trung này, quy trình sản xuất chì đã được nâng cấp, khép kín, an toàn, giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Điển hình như hệ thống lọc khói bụi, công trình vệ sinh, y tế cho công nhân sản xuất chì. Đối với những hộ còn lại chưa di dời, UBND tỉnh, UBND huyện Văn Lâm cũng đã có chỉ đạo tới đầu năm 2015 phải di dời cơ sở sản xuất chì thủ công xuống khu tập trung nhằm làm sạch môi trường sống.
Liên quan tới con số 300 trẻ em nhiễm độc chì do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường mới công bố, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Thông cho biết thêm, sau khi tham dự Hội thảo “Giảm thiểu nguy cơ sức khỏe từ môi trường làng nghề” trung tuần tháng 11 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp từ UBND huyện về việc đề xuất hướng giải quyết. Lãnh đạo Trung tâm đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cùng nhiều các cơ quan chức năng khác tiến hành rà soát, lên danh sách các cháu bị nhiễm độc chì ở mức cao tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo để tìm hướng giải quyết. Những cháu nếu có hàm lượng chì trong máu vượt quá mức quy định cho phép thì sẽ được chuyển lên Trung tâm Chống độc thải chì.
Một điều đáng nói nữa là chi phí cho việc chữa trị người nhiễm độc chì rất lớn. Tùy vào mức độ nhiễm độc chì nặng hay nhẹ sẽ quyết định tới thời gian điều trị. Đối với một người nhiễm độc chì ở mức độ cao gấp 2, 3 lần mức cho phép thì phải điều trị trong thời gian 2 năm. Mỗi tháng phải nằm điều trị 2 tuần, một trường hợp nhiễm độc chì ở mức độ cao tiền điều trị mỗi năm có khi lên đến trăm triệu đồng. Nhiều người dân có con em bị nhiễm độc chì ở Đông Mai đang tỏ ra rất lo lắng, mong nhận được những sự hỗ trợ nhất định từ nhiều phía.
Theo giadinh

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn