Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa tập huấn tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh khi chuyển mùa. Đây là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển. Tại TP Hồ Chí Minh, do nóng ẩm, các bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), tiêu chảy cấp (TCC), cúm… được cảnh báo sẽ có nguy cơ phát sinh, phát triển.





Qua phân tích tình hình bệnh TCM, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã có biểu đồ diễn tiến của bệnh cũng tương tự như năm 2013. Tuy nhiên, tổng số ca bệnh TCM tính đến cuối tháng 11 năm nay là 7.321 trường hợp, tăng khoảng 20% so với tuần cùng kỳ năm trước. Trong những tháng qua, bệnh cũng đang diễn tiến theo chu kỳ như những năm trước với sự xuất hiện hai đỉnh dịch trong năm. Thống kê cho thấy, năm 2014, đỉnh dịch thứ nhất đã xuất hiện vào tháng 4-2014 với số trường hợp mắc bệnh trung bình vào khoảng 230 ca/tuần. Sau bốn tháng, số ca TCM giảm dần nhưng sau đó lại đang gia tăng với gần 150 ca mắc bệnh. Cá biệt, trong tháng 9, trung bình có 185 ca TCM nhập viện/tuần.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, một số quận, huyện có số ca mắc bệnh TCM cao (tích lũy từ đầu năm) như quận 8, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân. Một số quận, huyện, tuy tổng số ca TCM tích lũy từ đầu năm không cao, nhưng bệnh lại tăng nhanh trong những tuần gần đây như: quận 2, quận 6, quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức và Tân Phú. Theo dự báo, số ca mắc bệnh TCM có thể tăng nhanh trong thời gian tới theo chu kỳ diễn tiến hàng năm của dịch. Trong khi đó, hiện tại số ca nhập viện trong tuần đầu tiên của tháng 10-2014 đã đột ngột tăng vọt với 346 ca, dù chưa xuất hiện những chùm ca bệnh. Vì thế, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và tăng cường các biện pháp phòng bệnh TCM trong cộng đồng và trong trường học.
Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng Tiến sĩ Trương Đình Bắc khuyến cáo, người dân cần chủ động bảo vệ con em; các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo hướng dẫn trẻ và cùng trẻ thực hiện những biện pháp phòng bệnh như: rửa tay thường xuyên bằng nước và xà-phòng; tránh để trẻ ngậm đồ chơi, mút tay; không tiếp xúc với trẻ đang bị bệnh, bị sốt; nên có người chăm sóc riêng cho trẻ bệnh; không nên đưa trẻ đang nghi ngờ bệnh TCM đến trường học hoặc đến những nơi tập trung đông người vì nguy cơ lây lan bệnh cho trẻ khác.
Bệnh SXH cũng đang tăng theo mùa và cũng có sự tập trung ca bệnh ở một số địa phương. Từ đầu năm 2014 đến nay, số ca bệnh SXH của thành phố thấp hơn cùng kỳ năm 2013 khoảng 20%. Trong vài tuần đầu năm, số ca bệnh nhập viện hàng tuần có cao hơn cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của mùa dịch năm 2013 đến trễ. Tuy nhiên, kể từ tuần thứ bảy trở đi, số bệnh hàng tuần của năm 2014 hầu hết đều thấp hơn tuần tương ứng ở năm 2013. Khi mùa mưa bắt đầu, số trường hợp mắc bệnh SXH bắt đầu tăng nhẹ với 100 ca nhập viện /tuần. Bệnh bắt đầu gia tăng theo mùa với những cơn mưa nặng hạt xuất hiện nhiều hơn.
Ghi nhận trong bốn tuần gần đây nhất tại TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi tuần có khoảng 200 ca SXH. Ngành y tế thành phố dự báo bệnh đang tiếp tục tăng theo mùa và tập trung kéo dài ở một số phường, xã thuộc quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, quận 7. “Bằng mọi cách, chúng ta làm sao để muỗi không có chỗ sinh sống và phát triển. Cần lưu ý, việc phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế chỉ là biện pháp mang tính nhất thời với mục tiêu là diệt đàn muỗi trưởng thành và chúng ta cũng không nên lạm dụng hóa chất diệt muỗi một cách thường xuyên. Do vậy, diệt loăng quăng, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi là ưu tiên hàng đầu, là biện pháp tiên quyết trong việc phòng bệnh SXH”, Cục Y tế Dự phòng cảnh báo.
Thời gian tới là những tháng mùa đông - xuân thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, ru-be-la, bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H1N1) và đặc biệt là TCC. TCC được định nghĩa là tiêu chảy phân lỏng hơn ba lần/ngày (hoặc đi ngoài nhiều lần hơn bình thường). Tiêu chảy thường là triệu chứng nhiễm trùng đường ruột, có thể do vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng đường ruột gây ra. Bệnh lây qua thực phẩm hay nước uống bị nhiễm khuẩn, hay lây từ người sang người do thói quen vệ sinh kém. Vì vậy, ý thức vệ sinh cá nhân tốt cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh TCC.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn